Đại sứ Trung Quốc tại Anh mới đây đã có những phát biểu xoay quanh lệnh cấm của Mỹ với Huawei. Ông cho rằng, Mỹ đang cố gắng "bắt nạt kinh tế" Trung Quốc và động cơ đằng sau việc phát động chiến tranh thương mại của Mỹ thực chất nhằm kìm hãm tốc độ phát triển công nghệ của quốc gia tỷ dân.

Trong một chuyến thăm tới đặc khu kinh tế Thâm Quyến mới đây, đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming đã có bài phát biểu tại Đại học Huawei. Ông nhấn mạnh, tranh chấp thương mại với Trung Quốc hiện nay thực chất chỉ là màn kịch nguy trang cho ý đồ ghìm chân Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc công nghệ.

Đại học Huawei được biết đến là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Nơi đây cung cấp kiến thức kỹ thuật, công nghệ và mở ra cơ hội việc cho nhiều sinh viên muốn gia nhập Huawei.

Chia sẻ trên đài CCTV của Trung Quốc, Liu cho biết: "Có rất nhiều lý do để Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhưng Huawei không phải là động cơ thực sự. Họ (Mỹ) đã phát động một cuộc chiến thương mại nhưng về cơ bản, nó là một cuộc chiến công nghệ nhằm kiềm chế sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc".

Liu nói thêm: "Do đó Mỹ chắc chắn sẽ chưa hài lòng với việc đá Huawei ra khỏi thị trường Mỹ. Thậm chí họ còn muốn Huawei bị ‘out' khỏi các thị trường trên thế giới. Có một quan điểm ngày ngày càng xuất hiện nhiều tại Mỹ đó là, Trung Quốc đang trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong tất cả các lĩnh vực như địa chính trị, ảnh hưởng quốc tế, tài nguyên, dân số và số lượng nhân tài. Điều này càng được minh chứng rõ nét hơn khi chính phủ Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong báo cáo Chiến lược quốc phòng".

Trên thực tế, chính phủ Mỹ từ lâu đã nhận ra mối đe dọa từ sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc nên đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp có phần cứng rắn, thậm chí đánh trực diện vào các công ty công nghệ của Trung Quốc để ngăn chặn.

Mới đây tờ Global Times của Trung Quốc đã đăng tải một bài xã luận, trong đó chỉ trích cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon vì đã có phát ngôn không đúng mực với tờ South China Morning Post. Bannon tuyên bố, vấn đề đuổi Huawei khỏi Mỹ và nhiều thị trường trên thế giới còn quan trọng hơn gấp chục lần so với việc kết thúc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Bài xã luận tập trung chỉ trích Bannon vì đã thúc đẩy chủ nghĩa phát xít kinh tế nhằm buộc Trung Quốc phải khuất phục Mỹ. Bài báo có đoạn viết: "Ngay cả những nhà lãnh đạo có quan điểm cấp tiến tại Trung Quốc cũng không hề kêu gọi đuổi Apple hoặc McDonald khỏi thị trường nước này. Nhưng những nhận xét cực đoan của Bannon có thể gây ra một số tác động đối với xã hội Mỹ".

Guangming Daily, một tờ báo ngôn luận hàng đầu tại Trung Quốc cũng đã chỉ trích quan điểm của Bannon dựa trên quan điểm của Shen Yi, giáo sư bộ môn quan hệ quốc tế và các vấn đề công cộng tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải.

Theo đó Shen chỉ trích quan điểm của Bannon về Trung Quốc và Huawei giống như cách tiếp cận của chủ nghĩa McCarthyist. Chủ nghĩa này đề cao mục tiêu bảo vệ quyền bá chủ của Mỹ. Đồng thời ông cũng cho biết, Bannon ủng hộ việc kiềm chế sự Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc công nghệ, kinh tế và tài chính, qua đó thách thức sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu.

Shen cho rằng, động thái mới nhất của chính phủ Mỹ với Huawei có thể là cách chuyển hướng từ cuộc chiến thương mại kéo dài với Bắc Kinh, bởi những tranh chấp trước đây đã gây thiệt hại đáng kể cho thị trường tài chính Mỹ.

Trong khi đó, Yu Miaojie, một chuyên gia thương mại quốc tế và giáo sư tại Đại học Bắc Kinh đồng tình với quan điểm cho rằng, Mỹ đang muốn "dằn mặt" Trung Quốc và không cho nước này cơ hội thách thức vị thế của Mỹ trong chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm việc cung cấp công nghệ và các sản phẩm điện tử cao cấp.

Yu khẳng định: "Cuộc chiến công nghệ hay thậm chí là tài chính đều là những biến thể mở rộng của cuộc chiến thương mại".

Shi Yinghong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ không biết liệu Huawei có thể giúp hai bên sớm đạt được một thỏa thuận hay không. Mặc dù cách đây vài ngày tổng thống Trump có đưa ra phát biểu rằng, Huawei là một công ty nguy hiểm nhưng Mỹ sẵn sàng gỡ bỏ lệnh cấm cho công ty này nếu như đạt được thỏa thuận thương mại có lợi với Trung Quốc.

Ông cho rằng, Trung Quốc có rất ít cơ hội để thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề này. Thực tế, chuyên gia Trung-Mỹ Zhu Feng, giám đốc viện quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh cũng bày tỏ sự bi quan về triển vọng hồi sinh mối quan hệ trong các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Giới phân tích nước này đều tin rằng, Washington đang buộc Bắc Kinh phải ký vào một thỏa thuận bất bình đẳng.