Mới đây, Akamai, một hãng cung cấp dịch vụ CDN lớn trên thế giới đã công bố báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014. Đáng chú ý, theo đánh giá của Akamai, trong ba tháng từ tháng 7 đến tháng 9/2014, Internet Việt Nam đứng gần cuối bảng xếp hạng các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tất cả các tiêu chí như: tốc độ kết nối trung bình; tốc độ kết nối cao nhất; kết nối băng rộng tốc độ cao (>10 Mbps); kết nối băng rộng (> 4 Mbps); tốc độ kết nối trung bình trên di động; tốc độ kết nối cao nhất trên di động; sự sẵn sàng cho nội dung 4K (Ultra HD) với yêu cầu tốc độ > 15 Mbps.

Để độc giả có được cái nhìn nhiều chiều hơn, không chỉ giới hạn ở nhận định, đánh giá từ góc độ của lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) xung quanh bản báo cáo của hãng Akamai về thực trạng Internet toàn cầu, nhất là kết quả đánh giá không mấy sáng sủa về chất lượng Internet Việt Nam quý III/2014 trong tương quan so sánh với dịch vụ Internet của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Xin ông cho biết ông đánh giá như thế nào về kết quả xếp hạng gần “bét bảng” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Internet Việt Nam quý III/2014, theo báo cáo Akamai mới công bố?

Số liệu thống kê trong báo cáo của Akamai đã cho thấy, chỉ số tốc độ kết nối trung bình của Việt Nam quý III/2014 là 2,5 Mbps, giảm 12% so với quý II/2014, chỉ xếp trên Phillipines (2,5 Mbps) và Ấn Độ (2,0 Mbps). Trong khi đó, quý II/2014 chỉ số này đạt mức tăng trưởng tới 42% so với quý I/2014. Do đó, nguyên nhân sự sụt giảm về tốc độ kết nối trung bình quý III/2014 có thể là do ảnh hưởng của sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG vào giữa tháng 9/2014. (Sự cố lỗi cáp tại phân đoạn Vũng Tàu - Hong Kong của tuyến cáp quang biển AAG khiến kết nối Internet Việt Nam bị ảnh hưởng, sau 2 tuần mới được khắc phục xong - PV).

Theo báo cáo của Akamai, tốc độ kết nối Internet Việt Nam trong cả năm 2014 so với năm 2013 vẫn tăng trưởng 22%,  nhưng thấp hơn các nước trong khu vực, đạt 2,5Mbps - xếp gần cuối. Nguyên nhân, theo tôi có thể do chúng ta phát triển thuê bao ở các gói cước thấp nhiều hơn. Trong năm 2014 phát triển thêm khoảng 530.000 thuê bao FTTH trong khi đó 3G phát triển thêm được hơn 9 triệu thuê bao. Cũng có thể cho rằng tốc độ kết nối 3G của chúng ta còn thấp và việc phát triển Internet đã được chú trọng mở rộng đến các lớp khách hàng phổ thông hơn.

Còn ở băng thông 4Mpps - 10Mbps - 16 Mbps, tốc độ kết nối Internet tăng hàng năm cao, với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 218% - 163% - 38%. Điều đó chứng tỏ các ISP của chúng ta đã tăng cường đầu tư đáng kể vào công nghệ cho hạ tầng. Tuy nhiên, sự đầu tư này vẫn là chưa đủ so với sự phát triển của các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở đây tôi nghĩ rằng có thể có cả nguyên nhân về năng lực tiêu dùng của khách hàng Việt Nam.

Vậy theo ông bản báo cáo của Akamai có đánh giá đúng được về thực trạng Internet Việt Nam trong mặt bằng chung của thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không?

Theo nhận định của tôi, bản báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014 mới được Akamai công bố có độ khách quan nhất định đối với việc đánh giá và so sánh.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá này của hãng Akamai chưa thể hiện hết năng lực mạng cho truy cập Internet trong nước. Chẳng hạn như, nếu sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG ảnh hưởng đáng kể đến việc đánh giá tốc độ kết nối Internet của Việt Nam trong quý III/2014 thì nó thiên về đánh giá kết nối quốc tế nhiều hơn.

Từ góc độ của Hiệp hội Internet Việt Nam, ông có thể cho biết Internet Việt Nam hiện có vị trí như thế nào trong bức tranh chung của Internet toàn cầu và hẹp hơn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương?

Tôi cho rằng, hoạt động cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam vẫn đang phát triển tích cực. Cạnh tranh lành mạnh đã và đang là động lực quan trọng cho sự phát triển Internet của nước ta.

Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực và thế giới thì chúng ta bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người chưa cao, đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế chưa cao thì tăng trưởng Internet cũng không thể so sánh với các nước phát triển được. Bên cạnh đó, chúng ta cũng vẫn còn tồn tại những vấn đề về chất lượng dịch vụ như: đứt cáp biển quốc tế, hệ thống cáp treo nội hạt, băng thông Data di động chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. An ninh mạng và an toàn cho người sử dụng các dịch vụ trên mạng Internet cũng là vấn đề cần phải được quan tâm.

Một trong những tích cực của Internet Việt Nam là lượng sử dụng Internet của ViệtNam vẫn đạt tăng trưởng cao khoảng 30%/ năm, so với mức tăng trưởng trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khoảng 20%. Chỉ tiêu này cũng được coi là cao so với nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Và tất nhiên là các nước phát triển đang vượt xa chúng ta.

Kết quả đánh giá không khả quan về Internet Việt Nam của Akamai sẽ có ảnh hưởng, tác động như thế nào đến hoạt động của các ISP, thưa ông?

Trước hết, tôi cho rằng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet - các ISP Việt Nam cần phải quan tâm đến các số liệu phân tích trong báo cáo thực trạng Internet toàn cầu này của Akamai cũng như các nguồn số liệu, phân tích khác nữa. Việc bản báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014 của Akamai được giới truyền thông quan tâm, có nghĩa là xã hội và người sử dụng dịch vụ cũng rất quan tâm. Vì thế, các ISP tới đây sẽ phải có kế hoạch riêng cho doanh nghiệp mình trên cơ sở xem xét số liệu, phân tích và mục tiêu của đơn vị mình.

Cùng với đó, từ số liệu, phân tích trong báo cáo của Akamai, các ISP cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lương dịch vụ Internet cung cấp tới khách hàng, quan tâm hơn đến quyền được đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, các ISP phải nhìn nhận, phân tích nhiều số liệu khác nữa để có cái nhìn đầy đủ hơn về Internet.

Tôi tin tưởng rằng lòng tự trọng quốc gia và nghề nghiệp sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các nhà cung cấp dịch vụ cải thiện vượt bậc chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam. Người sử dụng, cộng đồng, xã hội luôn ủng hộ các nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Xin cảm ơn ông!