Theo dự báo của IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số thế giới sẽ đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Năm 2018, riêng chi tiêu cho chuyển đổi số của thế giới đạt 1.300 tỷ USD, tăng trưởng 16,8%, trong khi tổng thị trường dịch vụ CNTT đạt 1.000 tỷ USD và chỉ tăng trưởng 4%.

Một cuộc khảo sát vừa được công bố bởi Deloitte - Top 4 "ông lớn" tư vấn thế giới cho thấy: số lượng doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã tăng gần gấp đôi trong năm qua.

Ở khía cạnh khác, dưới sự thúc đẩy của thời cuộc và Chính phủ, như mới đây Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số; nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán có giá trị 9 tỷ USD trong năm 2019 và dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.

Với tiềm năng khổng lồ như thế, chẳng có gì khó hiểu khi rất nhiều tập đoàn công nghệ tại Việt Nam đang đặt động lực tăng trưởng trong tương lai của bản thân vào thị trường chuyển đổi số, như FPT, CMC hay NextTech.

Tuy nhiên, do tại Việt Nam lẫn trên thế giới, đây là một mảng tương đối mới cũng như phức tạp, nên hầu hết họ chỉ đang đặt mục tiêu và hết sức thận trọng khi bước vào lĩnh vực này. Thế nên, có thể nói, cơ hội dành cho các SMEs hay startup dành thị phần lớn là rất nhỏ; bởi sự thận trọng của các ‘ông lớn’ đã nói lên tất cả.

FPT – Chuyển đổi số đang chiếm 1/3 doanh số thị trường nước ngoài của FPT, nhưng hành trình trong nước mới bắt đầu

"FPT đã bước ra thế giới 20 năm rồi. 20 năm ấy chúng tôi cũng gặp muôn vàn gian lao, khó khăn, mạo hiểm. Suốt 20 năm vừa qua chúng tôi đã cố gắng tột cùng để ghi tên Việt Nam vào bản đồ thế giới, với sự hiện diện ở 45 nước trên thế giới với nhiều nhân sự ở nhiều quốc tịch khác nhau, cùng trên 600 khách hàng lớn trong đó 100 khách hàng thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune Global 500).

Suốt 7 năm vừa qua, chuyển đổi số là một trong những chiến lược phát triển quan trọng của chúng tôi. Hiện nay, doanh số cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT đạt gần nửa tỷ USD. Trong vòng 2 năm tới chúng tôi phấn đấu đạt 1 tỷ USD. Hiện doanh thu chuyển đổi số chiếm khoảng 1/3 doanh số từ thị trường nước ngoài của FPT", ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT cho biết trong 1 sự kiện gần đây.

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian gần đây, FPT mới đánh mạnh vào thị trường chuyển đổi số trong nước và xem đó là động lực tăng trưởng ở thì tương lai.

Định hướng chiến lược của FPT trong giai đoạn 2019 – 2021 sẽ là chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch FPT thành doanh nghiệp số và phát triển dịch vụ toàn diện cho chuyển đổi số.

Sự chuyển dịch này của FPT đã dần được hiện thực hóa với những bước tiến ấn tượng trong năm 2019. Tiêu biểu như sự kiện họ hợp tác chuyển đổi số toàn diện cho Tập đoàn tôm Minh Phú cuối năm 2019.

Theo FPT, mỗi khi đã thực hiện việc gì đều tiềm ẩn rủi ro, tuy nhiên, với những gì đang có trong mảng chuyển đổi số, họ tin rằng họ sẽ giúp Minh Phú đạt đến tham vọng lớn là chiếm 25% thị phần ngành tôm thế giới vào năm 2045. Và nếu đến ngày đó, thì khi FPT "vỗ ngực xưng tên" họ là doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu thế giới, cũng chẳng ai dám nói là họ ‘nổ’. Bởi, việc hợp tác để thúc đẩy 1 doanh nghiệp chỉ đang chiếm 4% thị phần thế giới lên 25% là việc mà rất hiếm doanh nghiệp trên thế giới này có thể làm được.

Với việc đã cho ra mắt một phương pháp luận hoàn chỉnh cũng như đang từng bước áp dụng vào chính bản thân mình, FPT cho rằng, khi chuyển đổi số chúng ta cần triển khai từng bước nhỏ, chứ không ‘ham to ăn miếng lớn’. Hoặc ví dụ như chia sẻ của ông Hoàng Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc về chuyển đổi số của FPT, thì họ sẽ bắt đầu thông minh, với thử nghiệm khoảng 10 giải pháp, sau đó nếu có 2 giải pháp thành công sẽ áp dụng cho Minh Phú.

(Bài mồng 4 Tết)Đầu năm nói chuyện chuyển đổi số: Sàn đấu 30 tỷ USD dành cho các tay đấm danh tiếng như FPT, CMC, VNG hay NextTech - Ảnh 2.

FPT đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án chuyển đổi số mà họ sẽ bắt tay thực hiện với tôm Minh Phú trong nhiều năm tới.

Có hai thứ khiến ông Trương Gia Bình và đội ngũ FPT đều hết sức tự tin khi bước vào cuộc đua chuyển đổi số cùng đối thủ khắp thế giới: đầu tiên là phương pháp luận FPT Digital Kaizen mà họ đã dày công nghiên cứu, thứ hai là sự có mặt của ông Phương Trầm - cựu Giám đốc Công nghệ thông tin toàn cầu (CIO) của DuPont.

"Với sự tham dự của cựu CIO của DuPont, chúng tôi hiện nay đã có thể học tập được những kinh nghiệm tốt nhất thế giới về chuyển đổi số. Chúng tôi đã học tập kinh nghiệm chuyển đổi số từ Coca Cola, Walmart và cả DuPont.

Nhờ đó, chúng tôi đã phát triển thành một phương pháp luận có tên là FPT Digital Kaizen và đã chuyển giao ra cho các chi nhánh trên toàn cầu. Theo tôi, phương pháp luận này của chúng tôi có chất lượng không kém bất kỳ ai trên thế giới. Chúng tôi đã triển khai phương pháp luận này vào tập đoàn FPT đã được 1 năm", ông Trương Gia Bình bày tỏ.

Trao đổi cùng chúng tôi, theo vị Chủ tịch này, từ một thống kê trên thế giới cho thấy, thì hiện 9/10 nhà lãnh đạo đã thực hiện chuyển đổi số, nhưng 7/9 đã thất bại. Vậy vì sao họ thất bại hoặc chưa đạt được mục đích đã đề ra?

"Việc có quá nhiều trường hợp thất bại như thế là điều hoàn toàn bình thường trong một cuộc cách mạng, bởi chuyển đổi số đang là một cuộc cách mạng khi chúng ta dùng các công cụ để thay đổi diện mạo nền kinh tế toàn cầu.

Để chuyển đổi số bớt thất bại, một trong những biện pháp là chúng ta phải bắt đầu bằng 3 chữ H: Heart – trái tim, Head – cái đầu và Hands – đôi bàn tay. Nếu chúng ta chỉ thuần túy nói về công nghệ khi chuyển đổi số, chúng ta sẽ gặp vấn đề.

Để chuyển đổi số thành công, người lãnh đạo cần biết truyền cảm hứng chuyển đổi số từ Ban lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên một cách liên tục và phải mừng thắng trận từ những thành tựu nhỏ. Muốn chuyển đổi số thành công, chúng ta phải có cảm hứng chuyển đổi số, mình có thể làm cái gì và làm như thế nào", ông Bình nhận định.

Mục tiêu tương lai của FPT là lọt vào Top 50 Nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

CMC - Đặt cược vào chuyển đổi số để có thể đạt được doanh thu tăng hơn 4 lần và đạt 1 tỷ USD và năm 2023

"Trong vòng 5 năm tới, doanh thu từ chuyển đổi số phải đóng góp ít nhất là 50%. Thực tế là Microsoft – đối tác chiến lược của CMC, đã yêu cầu chúng tôi phải cam kết tỷ lệ này với dịch vụ của họ ngay trong năm nay", ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch CMC nói trong một bài phỏng vấn vào cuối năm 2019.

Tức là, để giúp CMC đạt được doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2023 hoặc 2024, họ cần tăng gấp 4 lần doanh thu so với hiện tại và doanh thu từ chuyển đổi số phải đạt 50 triệu USD vào lúc đó. Và để đạt được mục tiêu này, ngoài đối tác Microsoft, CMC cũng vừa ký kết hợp tác chiến lược với Samsung SDS – tổ chức sẽ trở thành cổ đông chiến lược với 25% cổ phần CMC.

Quyết tâm của CMC khi bước chân vào lĩnh vực chuyển đổi số lớn chẳng kém gì FPT. Bởi ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, Samsung SDS không muốn là số 2, họ luôn muốn là số 1 trong lĩnh vực mà mình kinh doanh. Khi trở thành cổ đông chiến lược của CMC, họ cũng yêu cầu CMC phải trở thành số 1, ít nhất là ở Việt Nam về một lĩnh vực nào đó trong chuyển đổi số. Ngoài ra, Samsung SDS cũng cam kết cam kết đầu tư và hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng nhanh nhờ chuyển đổi số trong 5 năm sắp tới của CMC.

(Bài mồng 4 Tết)Đầu năm nói chuyện chuyển đổi số: Sàn đấu 30 tỷ USD dành cho các tay đấm danh tiếng như FPT, CMC, VNG hay NextTech - Ảnh 3.

Ông Đặng Thế Tài – CEO của CMC TSSG

Tuy nhiên, mọi chuyện đang không hề dễ dàng cho CMC. Bởi, theo một tiết lộ gần đây của ông Đặng Thế Tài – CEO của CMC TSSG với chúng tôi, thì mục tiêu nói trên của họ khả thi vì thị trường đủ lớn nhưng cũng vô cùng thách thức.

"Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi số, ngoài làm cho khách hàng thì chúng tôi cũng phải tự chuyển đổi. Cái ngành tích hợp hệ thống của chúng tôi – SI (System Integration) là ngành đang chết. Ngành tích hợp truyền thống đang dần chết trong vòng từ 3 đến 5 năm gần đây, giai đoạn này chúng tôi có sự tăng trưởng vì có sự thay đổi sớm về mô hình kinh doanh, và quản trị hiệu quả nên sống được trong xu hướng biên lợi nhuận gộp ngày càng giảm.

Tuy nhiên dù chúng tôi nhận thức và thấy nó thay đổi, nhưng sự thay đổi về công nghệ, về thị trường và môi trường kinh doanh diễn ra còn nhanh hơn mình nghĩ. Nên tới thời điểm này, chúng tôi tự đánh giá là chúng tôi vẫn chưa chạy kịp.

Công nghệ đang phát triển quá nhanh, từ thị trường, hành vi và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Nhiều lúc, thị trường của một doanh nghiệp tự dưng biến mất. Hoặc những cái cũ vẫn còn nhưng chúng ta phải vận hành theo 1cách khác để nó hiệu quả hơn. Còn với những cái mới, chúng ta phải có năng lực để đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng. Chứ không phải cứ thấy được nhu cầu là tốt, vì thấy có nhu cầu nhưng không có năng lực đáp ứng thì cũng chỉ nhìn mà thôi", ông Đặng Thế Tài nhận định.

NextTech – Đánh mạnh vào giới SMEs và startup

Nếu hai ông lớn FPT và CMC đánh mạnh vào vào các doanh nghiệp lớn và vừa, thì NextTech tấn công vào mảng còn lại – SMEs và startup.

"Có một câu hỏi là ‘có doanh nghiệp nào tại Việt Nam đang tồn tại loại hình kinh doanh mà không cần chuyển đổi số không?’. Theo đó, dù não tôi đã hoạt động hết công suất, song trong vòng 5 phút tôi vẫn không tìm ra câu trả lời.

Thực ra, lúc đầu tôi có nghĩ đến một mô hình chùa chiền, nhưng sau đó tôi lại tự phản tỉnh khi nhớ ra câu chuyện chùa Ba Vàng. Lúc xảy ra scandal, nhà sư lên mạng livestream, họp báo online luôn, có cả vạn người theo dõi. Đấy là ví dụ về chuyển đổi số", Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch NextTech, đã khẳng định Hội thảo Shark Tank năm 2019.

Theo ông Bình, chuyển đổi số không phải cái gì quá phức tạp hay hoành tráng, mà chỉ thông qua những hành vi cực kì nhỏ. Theo định nghĩa thì chuyển đổi số là sự ứng dụng liên tục các công cụ số vào mọi mặt kinh doanh của doanh nghiệp. Cách đây gần 10 năm, có lần ông Bình bị CSGT phạt và họ cũng bắt đầu dùng Zalo để chuyển ảnh của trạm bắn tốc độ lên trạm sau thổi phạt. Đó là chuyển đổi số!

(Bài mồng 4 Tết)Đầu năm nói chuyện chuyển đổi số: Sàn đấu 30 tỷ USD dành cho các tay đấm danh tiếng như FPT, CMC, VNG hay NextTech - Ảnh 4.

Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch NextTech

Cũng theo vị Chủ tịch này, có rất nhiều cách để chuyển đổi số, trong đó có cách tìm đối tác ‘tri kỷ’ hỗ trợ chuyển đổi số, ví dụ như NextTech. Quan trọng nữa, đó phải là những đối tác không chăm chăm ‘moi’ tiền của doanh nghiệp, họ sẽ hay nói ‘em cài cho anh cái hệ thống này miễn phí, em không lấy tiền của anh’.

"Nhưng họ sẽ lấy gì? Họ sẽ nói: khi em cắt giảm được chi phí cho anh hoặc em giúp anh tăng doanh thu, thì phần giá trị gia tăng đấy chúng ta chia đôi. Như vậy, nếu em làm không tốt, em không được đồng nào, còn nếu em làm tốt thì cả 2 chúng ta đều có lợi. Đấy mới gọi là 'tri kỷ'", Shark Nguyễn Hòa Bình bình luận thêm.

Ông cho rằng, đây cách thứ tư tối ưu nhất cho tất cả các thành phần trong SMEs - cả startup/nhỏ/vừa. Và bản thân doanh nghiệp của ông cũng liên tục tìm 'tri kỷ', bằng cách hướng đến những doanh nghiệp truyền thống đang khó khăn nhưng có mô hình kinh doanh tốt rồi sau đó họ trở thành 'tri kỷ' công nghệ của doanh nghiệp đó.

Với động thái "dùng miễn phí, có lời mới ‘chia’" của NextTech, có thể thấy, thị trường chuyển đổi số tại Việt Nam không hề dễ ‘ăn’ như tưởng tượng.

VNG – Tân binh của làng chuyển đổi số, tấn công trực tiếp vào mảng điện toán đám mây với dịch vụ VNG Cloud

Trong tất cả, VNG là tay chơi mới nhất tham gia thị trường này, nhưng họ lại nhắm đến một lĩnh vực khu biệt hơn – bán dịch vụ lưu trữ giữ liệu đám mây với sản phẩm VNG Cloud.

Các giải pháp đám mây của VNG Cloud hiểu rất rõ nhu cầu và vấn đề cụ thể của từng khách hàng trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, tài chính, truyền thông và sản xuất. Và khác với nhiều doanh nghiệp đám mây quốc tế, VNG Cloud chọn cách đồng hành cùng khách hàng của mình để giải quyết từng vấn đề, thay vì thuyết phục khách hàng mua trọn gói cả một platform rồi không biết làm gì sau đó.

Các dịch vụ điện toán đám mây của VNG Cloud đều được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam từng có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, AWS…; giải quyết những bài toán đặc thù của doanh nghiệp Việt, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt thu ngắn khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài trên hành trình chuyển đổi số.

Theo ông Vũ Minh Trí – CEO của VNG Cloud, thì tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới đều nên chuyển đổi số và tỷ lệ thất bại cao là bởi hầu hết doanh nghiệp Việt đều để bộ phận IT dẫn dắt dự án.

(Bài mồng 4 Tết)Đầu năm nói chuyện chuyển đổi số: Sàn đấu 30 tỷ USD dành cho các tay đấm danh tiếng như FPT, CMC, VNG hay NextTech - Ảnh 5.

Ông Vũ Minh Trí – CEO của VNG Cloud

Với ông Trí – người từng đảm nhiệm vị trí CEO Microsoft Việt Nam, thì chuyển đổi số chẳng có gì là to tát, có công ty nên làm ERP, có công ty không cần và chỉ sử dụng vài phần mềm nhỏ là đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải hiểu chuyển đổi số là gì, ví dụ: nên thu thập data cả bên trong lẫn bên ngoài, có không ít công ty chỉ lo thu thập thông tin từ bên trong mà không quan tâm những thông tin từ bên ngoài.

Theo quan điểm của ông Trí, tất cả đều nên chuyển đổi số, công ty lớn nhỏ không quan trọng - đều nên làm những cái gì đó khác đi!

"Tuy nhiên, nên bắt đầu từ đâu? Không phải bắt đầu từ ERP, mà phải từ bộ phận kinh doanh chứ không phải bộ phận IT và người dẫn dắt dự án nên là lãnh đạo ở bộ phận kinh doanh chứ không phải IT. 80% doanh nghiệp chuyển đổi số được lãnh đạo bởi bộ phận IT đã thất bại. Nói chung, doanh nghiệp nhất định phải để bộ phận kinh doanh lead dự án chuyển đổi số thay vì những bộ phận khác.

Một trong những nguyên nhân thất bại nữa, là do lãnh đạo các doanh nghiệp quá tin tưởng vào những việc mình đã làm trong quá khứ. Theo đó, người cản trở lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số trong vài công ty chính là lãnh đạo, hoặc lãnh đạo nhận định sai để những người không phải kinh doanh dẫn dắt dự án", ông Vũ Minh Trí chia sẻ kinh nghiệm sau rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo Trí Thức Trẻ