Cần xây dựng lực lượng công nghệ chất lượng cao cả về chất và lượng

Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tính bước ngoặt bao trùm lên hầu hết các Bộ ngành, công ty đầu tàu về nền tảng, các công ty công nghệ cũng như các công ty truyền thống ở mọi lĩnh vực, thậm chỉ cả người dân. Bởi vì, Đề án sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các công ty, nhất là các công ty công nghệ có cơ hội thử nghiệm, triển khai những ý tưởng mới, tạo đà cho việc tăng trưởng kinh tế số.

Tuy nhiên, ông Giản cho rằng, Đề án mới chỉ là điều kiện cần, bởi vì ở các nước khác, những chính sách tương tự gần như mặc nhiên đã được xây dựng và khi triển khai sẽ gặp rất nhiều rào cản nếu không quyết liệt thì sẽ trở thành khẩu hiệu thông thường.  

Đầu tiên, Việt Nam cần xây dựng một lực lượng công nghệ chất lượng cao, không những về số lượng mà còn về chất lượng. Để làm được điều này, ông Giản cho rằng cần có chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài công nghệ người Việt ở các nơi trên thế giới về Việt Nam cũng như cần đào tạo chuyên sâu về công nghệ mới nổi như AI, Big Data, Blockchain… tại các trường Đại học lớn.

Ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV khẳng định, nếu chúng ta không có các hành động quyết liệt thì chính các công ty nước ngoài, các công ty rất mạnh về công nghệ sẽ là nhà cung cấp chính các dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Ngoài ra, ông Giản khẳng định, chúng ta cần tạo ra được nhiều nhà lãnh đạo là kỹ sư CNTT hoặc có chuyên môn công nghệ lẫn tố chất lãnh đạo để có thể cảm nhận và nắm bắt được sự biến đổi không ngừng của công nghệ với thị trường, hay có thể ra quyết định rất nhanh là dừng hay tiếp tục dự án nếu nó có nguy cơ cao.

Cuối cùng, Việt Nam cần phổ cập hoá toàn dân về sử dụng công nghệ vào cuộc sống, phá bỏ rào cản của người dân về việc sợ công nghệ, sợ rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin và lừa đảo trực tuyến.

Chình vì thế, theo ông Giản, Đề án này đã cho tất cả các thành phần tham gia từ doanh nghiệp cũ, doanh nghiệp sáng tạo, người dân... thấy được đây là cơ hội vàng và tập trung mọi nguồn lực vào nó để phát triển, tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo cao dựa trên ứng dụng công nghệ, qua đó mới giúp nền kinh tế số phát triển mạnh được.

“Đề án mới chỉ là điều kiện cần, nếu chúng ta không có các hành động quyết liệt thì chính các công ty nước ngoài, các công ty rất mạnh về công nghệ sẽ là nhà cung cấp chính các dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam”, ông Giản kết luận.

Đề án là cơ hội và cũng bao gồm rất nhiều thử thách cho các startup

Còn theo ông Tạ Quang Thái, Đồng sáng lập (Co-founder) ứng dụng kết nối dịch vụ theo yêu cầu Rada đánh giá, Đề án là một sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chính phủ trong việc công nhận hình thức kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa trong xã hội nhằm tối ưu hoá, cũng như các hoạt động kinh tế dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặt biệt là sự phát triển của mạng Internet.

Quyết định này đã tính kỹ đến cơ chế Sandbox để thử nghiệm các mô hình mới giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ đề xuất để không hạn chế các lĩnh vực mà kinh tế chia sẻ có thể vươn tới. “Tuy nhiên, từ đề án này cho đến thực tế thì cả một quá trình không phải dễ dàng”, ông Thái nói.

Lý giải cho điều này, ông Thái cho rằng, Đề án quá rộng và quá gấp khi thời hạn thực hiện phần lớn vào năm 2020 (tức là chỉ còn 1 năm và 4 tháng nữa - PV). Trong khi, cứ nhìn vào Nghị định quản lý taxi công nghệ với taxi truyền thống đã diễn ra trong thời gian bao lâu thì bất kỳ ai cũng có thể hiểu được khối lượng công việc sẽ lớn như thế nào.

Theo ông Tạ Quang Thái, Đồng sáng lập Rada, đề án Kinh tế chia sẻ mở ra cánh cửa về mô hình và sự chấp nhận của cơ quan quản lý, đồng nghĩa với việc các ông lớn với nhiều nguồn lực có thể nhảy vào sân chơi, lúc đó các startup sẽ bị thôn tính hoặc bị tiêu diệt.

“Với vai trò của người sáng lập một startup chịu ảnh hưởng của Đề án cũng như các quy định khác trong tương lai, chúng tôi đón chờ, quan sát một cách chặt chẽ và hy vọng rằng các kết quả sẽ phản ánh đúng mục tiêu và quan điểm của Thủ tướng trong quyết định phê duyệt này”, ông Thái nói.

Khi được hỏi liệu Đề án có phải sẽ là tiền đề để cho các startup bứt phá, ông Thái cho rằng, điều này bao hàm hai mặt của vấn đề, cơ hội và thách thức. “Startup là những kẻ tiên phong đi tìm cái mới, chấp nhận dấn thân để thử nghiệm và chứng minh mô hình mới mà điển hình là câu chuyện về kinh tế chia sẻ”, ông Thái nói.

Sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ đã làm thay đổi cả nhận thức của bộ máy quản lý và bắt đầu có những sự điều chỉnh. Nhưng để startup bứt phá, ông Thái khẳng định, ngoài khung pháp lý còn cần đến vốn và các nguồn lực khác liên quan đến đầu tư.

Đề án Kinh tế chia sẻ mới được phê duyệt mở toang ra cánh cửa về mô hình và sự chấp nhận của cơ quan quản lý, đồng nghĩa với việc các ông lớn với nhiều nguồn lực, với thế mạnh sẵn có cũng có thể nhảy vào sân chơi, lúc đó các startup sẽ bị thôn tính hoặc bị tiêu diệt. “Theo tôi tại thời điểm này, các startup còn phải xoay xở và chờ cơ hội”, ông Thái kết luận.