Xu thế bắt buộc giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tồn tại

Trong thời gian nhiều tỉnh phía Nam phải giãn cách xã hội diện rộng để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, Đồng Tháp đã là 1 trong những tỉnh đạt được kết quả nổi bật trong triển khai “Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” (Kế hoạch 1034) của Bộ TT&TT.

Được biết đến là một “vựa nông sản” ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp có hơn 500.000 diện tích trồng lúa và 33.000 ha trồng hoa màu. Địa phương này có nhiều loại đặc sản như: Xoài, nhãn, quýt hồng, sen... Toàn tỉnh có 112 hội quán, 178 hợp tác xã nông nghiệp; 931 tổ hợp tác và 42 trang trại. Ngoài ra, tỉnh có 161 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao.

{keywords}

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 30/7 của Bộ TT&TT, Tổ công tác 1034 với Sở TT&TT 19 tỉnh, thành phía Nam, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thanh Thủy đã cho biết: Nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của Đồng Tháp đang vào vụ; trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Sở TT&TT Đồng Tháp nhận thức rõ, chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên các nền tảng kỹ thuật số, các sàn TMĐT đã không còn là sự lựa chọn, mà trở thành xu thế bắt buộc để các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tồn tại và phát triển.

Bởi lẽ, trong bối cảnh dịch bệnh, với phương thức kinh doanh mới này, các hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ SXNN) vẫn có thể kết nối đều đặn thường xuyên với đối tác, thậm chí còn kết nối được nhiều đơn hàng hơn hình thức truyền thống.

Trong chia sẻ tại tọa đàm “Thương mại số minh bạch, đa giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn” diễn ra hồi trung tuần tháng 11, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện khẳng định: “Đồng Tháp xác định chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT là một giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Thay vì chỉ tập trung vào số lượng, nông nghiệp Đồng Tháp hướng đến nâng cao chất lượng nông sản và TMĐT là kênh hữu hiệu để thực hiện định hướng đó”.

Giải bài toán ùn ứ nông sản vì dịch nhờ phát triển kênh TMĐT

Gần đây nhất, tại hội nghị phổ biến kinh nghiệm quản lý nhà nước lĩnh vực bưu chính được Bộ TT&TT tổ chức ngày 1/12, đại diện Sở TT&TT Đồng Tháp chia sẻ, trên cơ sở Kế hoạch 1034, Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn, có giao chỉ tiêu và phân công rõ nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ các hộ SXNN tại Đồng Tháp tham gia các sàn Postmart, Vỏ Sò của 2 doanh nghiệp Vietnam Post và Viettel Post; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

{keywords}
Nhiều hộ nông dân tại Đồng Tháp đã được Postmart, Vỏ Sò hướng dẫn cách kinh doanh trên sàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, hàng loạt nội dung công việc đã được Sở TT&TT Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị triển khai. Cụ thể, Sở TT&TT đã có văn bản đề nghị các Sở: NN-PTNT, Công Thương, Giao thông vận tải, KH&CN cùng 12 huyện, thành phố cung cấp thông tin đầu mối liên hệ công tác để kết nối.

Các địa phương còn cung cấp thêm thông tin về các mặt hàng nông, thủy sản trên địa bàn cần đẩy mạnh tiêu thụ, với sản lượng, thời gian thu hoạch, thông tin liên hệ cụ thể…; đồng thời cung cấp danh sách các hộ SXNN để hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn Postmart và Vỏ Sò.

Sau khi tổng hợp những thông tin cần thiết, Sở TT&TT đã cùng 2 sàn Postmart, Vỏ Sò lên kế hoạch tiếp cận các hộ SXNN để tổ chức tập huấn, hướng dẫn lên sàn TMĐT. “Do thời điểm này, tỉnh áp dụng giãn cách xã hội nên việc tập huấn đã được thực hiện kết hợp nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, gọi điện thoại… để các hộ SXNN nắm được những kỹ năng cần thiết”, đại diện Sở TT&TT Đồng Tháp cho hay.

Song song đó, Sở TT&TT Đồng Tháp cũng phối hợp với các Sở KH&CN, NN-PTNT để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp trong việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn cũng như truy xuất nguồn gốc…

Đặc biệt, nhóm Zalo “Hỗ trợ tiêu thụ nông sản Đồng Tháp” đã được thiết lập, với thành phần gồm lãnh đạo các Sở có liên quan, lãnh đạo UBND cấp huyện, lãnh đạo các phòng chuyên môn của các Sở, nhất là phòng Nông nghiệp của địa phương, cùng lãnh đạo 2 doanh nghiệp Bưu điện và Viettel Post Đồng Tháp. Qua nhóm Zalo này, các huyện cập nhật thường xuyên tình hình tiêu thụ nông sản, Sở TT&TT theo dõi số liệu tổng hợp hàng ngày.

Không chỉ đồng hành cùng với các hộ SXNN trong giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT, Sở TT&TT Đồng Tháp còn phối hợp với các đơn vị giới thiệu các mặt hàng nông nghiệp của tỉnh đang có trên sàn, tích cực tìm kiếm thêm khách hàng và thị trường tiêu thụ. “Chúng tôi nhận thấy rằng, thời gian đầu mới tham gia sàn TMĐT, nếu để các hộ SXNN “tự bơi” thì sẽ không đạt hiệu quả cao”, đại diện Sở TT&TT Đồng Tháp nhấn mạnh.

Vì thế, bên cạnh vai trò điều phối 2 doanh nghiệp bưu chính trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang tồn ứ với sản lượng lớn, Sở TT&TT đã kết nối chặt chẽ với các hộ SXNN để đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng nông sản mà khách hàng cần.

{keywords}
Trong hơn 3 tháng, đã có 1.470 tấn nông sản Đồng Tháp được tiêu thụ qua 2 sàn Postmart, Vỏ Sò.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Đồng Tháp đã giải quyết tình trạng bị ùn ứ nông sản vì dịch bệnh. Theo thống kê, đến ngày 30/11, đã có 1.470 tấn nông sản được tiêu thụ qua 2 sàn Postmart, Vỏ Sò. Số hộ SXNN tham gia các sàn có phát sinh giao dịch là 427 hộ.

Đúc kết kinh nghiệm có được thời gian qua, đại diện Sở TT&TT Đồng Tháp điểm ra một số yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hỗ trợ đưa các hộ nông dân lên sàn TMĐT, đó là: sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh cùng các đơn vị thuộc Bộ TT&TT và 2 sàn TMĐT của doanh nghiệp bưu chính; công tác tuyên truyền; và hệ thống mạng lưới rộng, nhân lực đông đảo của 2 doanh nghiệp bưu chính lớn.

Vân Anh

Doanh nghiệp TMĐT trong nước đang “vẽ” bản đồ nông sản, đặc sản Việt

Doanh nghiệp TMĐT trong nước đang “vẽ” bản đồ nông sản, đặc sản Việt

Từ kết quả tích cực của tình hình tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử nội, các chuyên gia nhận định, bản đồ nông sản đặc sản, bách hóa Việt Nam trên các sàn đã và đang được tô vẽ bởi các doanh nghiệp nước nhà.