Bộ TT&TT tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra hồi trung tuần tháng 5/2019 đã nêu rõ định hướng, cách tiếp cận mới: doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và “Make in Vietnam” toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT.

Dù ủng hộ định hướng, cách tiếp cận mới của Bộ TT&TT, tuy nhiên ở góc độ của đơn vị đã có hơn 6 năm tập trung làm sản phẩm, chuyên gia Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT cũng chỉ rõ, thách thức, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp chọn hướng làm sản phẩm chính là làm sao để chọn được khe hở thị trường và nhân sự chủ chốt làm công nghệ. Theo ông, thiếu hai yếu tố này thì sản phẩm khó thành công, khó ra mắt và dễ chết yểu.

Lấy dẫn chứng từ chính hoạt động của Công ty mình, ông Trung cho hay, nếu DTT không đầu tư vào giáo dục STEM trong 10 năm vừa qua thì cũng khó làm ra STEMUP – sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp phụ huynh học STEM cùng con, và cũng nhờ DTT có đội ngũ chủ chốt đam mê công nghệ, đam mê nội dung STEM mới có thể làm được. Ngay cả khi làm ra sản phẩm rồi cũng vẫn mới chỉ là bắt đầu nên lại phải tìm ra cách để phát triển.

“Nói chung, làm sản phẩm là thách thức trùm thách thức. Tuy nhiên sau một tuần ra mắt STEMUP, chúng tôi cũng nhận được nhiều sự cổ vũ nên anh em lại chấp nhận thách thức, nhịn đói làm tiếp. Đôi khi thách thức lớn nhất là phải liều, liều hơn cả startup ( vì mình biết nhiều hơn startup), hay nói cách khác là thách thức là phải vượt qua chính mình”, ông Trung chia sẻ.

Trong trao đổi với ICTnews, đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) từng cho biết, thực tế đã có những doanh nghiệp phần mềm từng theo đuổi làm sản phẩm nhưng sau khi thất bại, sản phẩm làm ra nhưng không có nhiều người dùng nên lại phải quay trở lại chọn hướng làm gia công phần mềm để có kinh phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp làm outsourcing cũng đang phải phát triển song song, lấy tiền thu được từ làm gia công để nghiên cứu sản phẩm của riêng doanh nghiệp mình.

Bình luận về câu chuyện thực tế của các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam kể trên, chuyên gia Nguyễn Thế Trung nêu quan điểm: “Đây cũng là điều bình thường, làm sản phẩm không đủ sống thì phải quay lại nguồn sống mà mình đã từng biết là gia công. Tuy nhiên, tôi tin là các doanh nghiệp này sẽ luôn nung nấu và sẽ quay lại làm sản phẩm ngay khi điều kiện cho phép, cần khuyến khích họ thay vì chê bai.

Tôi phục anh Quảng BPhone lắm, tôi phục các đồng nghiệp khác làm sản phẩm lắm, và tôi tin họ sẽ thành công với sản phẩm trong tương lai. Việc duy trì gia công và làm sản phẩm là một giải pháp hợp lý, chỉ khổ người đứng đầu phải luôn sống trong 2 môi trường khác nhau, thậm chí ngược nhau”.

Chuyên gia Nguyễn Thế Trung chia sẻ: "Tôi phục anh Quảng BPhone lắm, tôi phục các đồng nghiệp khác làm sản phẩm lắm, và tôi tin họ sẽ thành công với sản phẩm trong tương lai" (Trong ảnh: gian hàng của Bkav tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019).

Từ kinh nghiệm của DTT, theo ông Trung, để phát triển được những sản phẩm có thể giải quyết được một cách hiệu quả các vấn đề, bài toán của Việt Nam, điều kiện cần là doanh nghiệp phải “máu” và “liều”, gần chết cũng phải cố; còn điều kiện đủ là thị trường Việt Nam cần yêu sản phẩm Việt Nam.

“Tôi mong sao mỗi người Việt trước khi viết những dòng hay nói những câu ném đá sản phẩm Việt thì hãy dừng lại và suy nghĩ để câu nói, câu viết của mình mang tính xây dựng hơn. Hãy dùng thử sản phẩm và góp ý nhiều hơn, giống như khi ăn bữa cơm do gia đình mình nấu vậy, dù chưa ngon bằng ngoài hàng nhưng đó là sự cố gắng là tình cảm của người nấu!.

Tôi cũng mong sự cạnh tranh lành mạnh nhiều hơn, thay vì phải cay cú, chọn cách ném đá giấu tay cùng dìm nhau xuống, và tôi mong các doanh nghiệp lớn có điều kiện thì nên làm những việc thật lớn, thật khó như Viettel đã và đang làm giai đoạn gần đây, hay như VinGroup chọn tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cùng nhau đi lên, thay vì để sự đố kỵ cá nhân làm các bên cùng thua”, người đứng đầu Công ty DTT tâm sự.

Trước đó, trong trao đổi với ICTnews thời điểm tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, ông Nguyễn Thế Trung đã đưa ra nhận định: “Trong giai đoạn phát triển mới, ngành CNTT Việt Nam không thể chỉ đi theo, sử dụng các kết quả của ngành CNTT thế giới mà phải tự chủ, làm chủ trong không gian sử dụng với những người dùng của mình”.

Chia sẻ rõ hơn về ý kiến này, ông Trung cho hay, việc này liên quan tới tương quan sức mua của người Việt. Rõ ràng là, với GDP của chúng ta, nếu chúng ta mua công nghệ nước ngoài thì không đủ để phát triển, mà nếu mua của công ty Việt Nam rồi các công ty này lại mua của nước ngoài thì cũng thế. Do đó, đã đến lúc các công ty CNTT phải làm chủ sản phẩm của mình. Rất may, thế giới CNTT đã nghĩ đến điều này ngay từ đầu khi mà Internet được triển khai theo mô hình hoàn toàn mới, không giống như viễn thông tính trên từng cuộc gọi (cuộc kết nối) mà cho truy cập thoải mái, và đặc biệt là làn sóng mã nguồn mở, công nghệ mở, sáng tạo mở.

“Doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần có quyết tâm thì trên những yếu tố như vậy có thể làm chủ được sản phẩm của mình và vì thế mà chúng ta làm chủ được không gian sử dụng của người dùng”, ông Trung nhấn mạnh.

Người đứng đầu Công ty DTT cũng đề xuất, chính sách quản lý của Việt Nam sẽ cần phải khuyến khích công nghệ mở và sáng tạo mở. Với công nghệ mở, chúng ta nên vượt qua những định kiến về mã nguồn mở mà tham gia một cách đàng hoàng và tận dụng cơ hội này. Các nền tảng quan trọng hiện nay như IoT, AI, Blockchain, Big Data ... đều là nguồn mở cho nên ta cũng nên mạnh mẽ tham gia vào các nhóm phát triển các sản phẩm này.

“Từ năm 2012 DTT đã tham gia OpenStack, bây giờ là tiêu chuẩn quan trọng của hạ tầng 5G, thế nhưng sự tham gia đó yếu ớt quá và cộng đồng tại Việt Nam khi hình thành cũng nặng cảm tính quá nên chưa thành công. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn nhiều, ví dụ ta có thể tham gia vào OpenAI, vào Chính phủ mở, vào Khoa học mở, Giáo dục mở, tiêu chuẩn mở ... Chính phủ nên có chính sách khuyến khích việc này để doanh nghiệp và cá nhân được hỗ trợ.

Về sáng tạo mở, đơn giản là chúng ta cần mở cho nhau những know-how, các công ty lớn hãy cho các công ty nhỏ tham gia sử dụng các kết quả nghiên cứu để cùng sáng tạo thêm, các viện trường nên công khai các kết quả và để các doanh nghiệp vào phát triển nên, có lợi cùng chia, chứ hiện nay thì có quá nhiều rào cản làm cho ta đi vừa chậm lại vừa phải làm đi làm lại nhiều”, ông Trung nêu ý kiến.