Ông Ngô Hoàng Quyền, CEO Bcnex.

Sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên ở Việt Nam Bcnex đã chính thức ra mắt vào cuối năm 2018 và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghệ về một sàn giao dịch công nghệ blockchain “made in Vietnam”. Tuy nhiên, Bcnex lại không đăng ký hoạt động ở Việt Nam mà đăng ký hoạt động ở Singapore. Theo ông Ngô Hoàng Quyền, CEO của Bcnex, lý do là vì Việt Nam chưa có cơ chế chính sách cho đăng ký sàn giao dịch tiền ảo hoạt động.

Mới đây, ông Ngô Hoàng Quyền đã đề xuất, Chính phủ cần nghiên cứu để sớm ban hành chính sách sandbox cho sàn giao dịch tiền ảo. Sandbox là xây dựng cơ chế cho thử nghiệm sàn hoạt động, chủ yếu là cho thử nghiệm ứng dụng và tác dụng của công dụng của công nghệ blockchain, các ứng dụng của blockchain trong chuỗi cung ứng.

Các ứng dụng (phần mềm) thực tế dùng công nghệ nền tảng phân quyền blockchain rất nhiều, nhưng để có nhiều ứng dụng phục vụ đời sống và kích thích sáng tạo thì phải có cơ chế quản lý và cho phép sàn hoạt động. Sàn giao dịch bản chất là thị trường vốn, tạo thanh khoản , kích thích đầu tư . Các startup sau khi phát hành token cho các nhà đầu tư cá nhân, họ sẽ listing (niêm yết) mã giao dịch của mình trên sàn để giao dịch.

Sàn là hạt nhân trung tâm cho phát triển hệ sinh thái ứng dụng trên nền tảng công nghệ blockchain, do vậy Bcnex mới xây dựng hệ sinh thái, gồm có sàn giao dịch và các nền tảng hỗ trợ các đội nhóm, doanh nghiệp startup làm blockchain phát hành token của mình và giao dịch trên sàn giao dịch công nghệ blockchain Bcnex. Và hệ sinh thái Bcnex được định hướng xây dựng và phát triển để trở thành một phần của "hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp nền tảng công nghệ blockchain", hệ sinh thái Bcnex là một phần của hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp đề án 844 của Chính phủ.

Theo ông Ngô Hoàng Quyền, hiện nay trong việc quản lý tiền ảo và tài sản ảo ở Việt Nam đang đứng trước 2 vấn đề: Nếu cấm tiệt thì mất sự sáng tạo, nhưng nếu sáng tạo quá thì không ai biết cái sự sáng tạo đó nó ra cái gì? Do đó, giải pháp mà ông Quyền đề xuất là cho phép sàn giao dịch hoạt động và quản lý nó giống như cơ chế của Singapore. Hiện Singapore đang áp dụng cho phép những doanh nghiệp làm blockchain phải đăng ký để giao dịch và phát hành token. Tại Singapore, các doanh nghiệp làm gì cũng được phép nhưng phải đăng ký với nhà nước. Singapore có cả một hướng dẫn cho doanh nghiệp phát hành tiền ảo và blockchain hoạt động.

Ở Việt Nam hiện nay Bộ Tư pháp cũng đã trình Chính phủ lựa chọn một trong 3 phương án: Cấm, cho phép (dưới cơ chế ngành nghề kinh doanh có điều kiện) và thả nổi.

Theo Đề án 1255 về quản lý tiền ảo tài sản ảo của Chính phủ thì đến năm 2021sẽ có một bộ luật quy định về lĩnh vực này, dự kiến đến tháng 6/2019 sẽ có cơ chế về thuế . Do đó, rất cần thiết là một cơ chế sandbox để hoạt động của sàn và cơ chế thử nghiệm trước khi có một bộ luật về tiền ảo và tài sản ảo.

Cơ chế sandbox như ông Quyền đề xuất sẽ cho phép sàn giao dịch công nghệ blockchain hoạt động, như cơ chế ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Bộ Tư pháp đã xây dựng phương án và các vấn đề có liên quan để quản lý sàn.