Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rà soát hệ thống cơ chế chính sách, quy định pháp luật để xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới".

Trên cơ sở phân tích những hạn chế của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ KH&ĐT đánh giá rằng: Một là, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (chiếm khoảng 26% tổng vốn sản xuất kinh doanh và hơn 24% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh); năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hai là, các DNNN chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Trong các ngành, lĩnh vực có tính chiến lược, DNNN chiếm thị phần lớn hoặc chi phối nhưng chưa quan tâm đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến việc tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam (như các ngành công nghệ cao, có tính chất lan tỏa hoặc khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế). Ba là, một số DNNN có các dự án rơi vào tình trạng bị thua lỗ, kém hiệu quả, gây nhức nhối dư luận cũng làm mờ nhạt vai trò của DNNN.

Theo dự thảo Đề án, trước mắt Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 4 Công ty mẹ của các tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel. Thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn (tại các công ty mẹ đã hoàn thành cổ phần hóa), Nhà nước nắm giữ vốn ở mức chi phối (từ 50% tổng số cổ phần trở lên) tại các tập đoàn, tổng công ty còn lại. Từ nay đến năm 2030, không nên thành lập mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tập trung tái cơ cấu, sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện có.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT đề xuất MobiFone, Viettel tham gia đề án thí điểm những chính sách riêng biệt đối với DNNN.

{keywords}
Bộ KH&ĐT đề xuất MobiFone, Viettel tham gia đề án thí điểm những chính sách riêng biệt đối với DNNN. (Ảnh: Internet)

Theo đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp viễn thông chủ lực quốc gia về cung cấp dịch vụ viễn thông, phát triển dịch vụ viễn thông di động sử dụng các công nghệ nâng cấp và công nghệ mới, tập trung phát triển dịch vụ dữ liệu trên nền mạng di động và các dịch vụ tích hợp và dịch vụ giá trị gia tăng. Điều chỉnh MobiFone từ doanh nghiệp khai thác viễn thông truyền thống sang doanh nghiệp số, tạo động lực cho sự phát triển các lĩnh vực kinh doanh - kỹ thuật - đầu tư.

Vai trò dẫn dắt chính của MobiFone là ưu tiên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Chính sách đặc thù được đề xuất cụ thể gồm: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung MobiFone vào danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối. Không lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài do MobiFone có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thị trường, thương hiệu tốt nên cần bán đấu giá công khai để có nhiều nhà đầu tư tham gia, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không thực sự cấp thiết.

Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với sự hiện diện của Viettel, dự thảo đề án đưa ra định hướng nghiên cứu hình thành Quỹ Phát triển công nghiệp quốc phòng với các cơ chế hình thành Quỹ từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (trích thêm 20% lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp quốc phòng). Quỹ để phục vụ các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng (sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới, thuê chuyên gia, phục vụ xuất khẩu...). Nghiên cứu hình thành Quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho Viettel với mục đích tiếp tục thử nghiệm, điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa để khai thác hết kết quả từ nghiên cứu khoa học và tạo ra những sản phẩm mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Viettel; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Viettel sẽ phát triển thành Tập đoàn kinh tế năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao trong và ngoài nước, vươn ra thị trường quốc tế để đạt mục tiêu là Tập đoàn kinh doanh toàn cầu. Thực hiện tái định vị thương hiệu Viettel phù hợp với định hướng giai đoạn phát triển thứ tư của Tập đoàn - giai đoạn chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó tập trung nguồn lực để hình thành một hệ sinh thái mạnh, đóng vai trò trung tâm kết nối số, trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

ĐP (Tổng hợp)

Viettel Cloud: Nền tảng đám mây “Make in Viettel” sẵn sàng cho chính quyền điện tử và doanh nghiệp số

Viettel Cloud: Nền tảng đám mây “Make in Viettel” sẵn sàng cho chính quyền điện tử và doanh nghiệp số

Viettel Cloud là nền tảng đám mây dẫn đầu về chất lượng, do người Việt làm chủ và là một trong 5 nền tảng đám mây Việt Nam đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử.