Cục Tin học hóa: Không làm tốt môi trường pháp lý, Việt Nam sẽ không thể chuyển đổi số thành công | Đề xuất xây dựng hướng dẫn thực hiện Sandbox cho chuyển đổi số

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ phải trình Đề án Chuyển đổi số quốc gia trong tháng 11/2019 (Ảnh minh họa: Internet)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, Bộ TT&TT đã giao Cục Tin học hóa nghiên cứu, trực tiếp soạn thảo dự thảo Đề án này.

Bộ TT&TT nhận định, chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, chuyển đổi toàn bộ doanh nghiệp, chuyển đổi toàn bộ xã hội sang xã hội số. Đây là một chiến lược nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất là ngoài việc tạo ra nguồn tăng trưởng của đất nước, nó còn giúp tăng năng suất lao động và làm thay đổi cơ cấu việc làm, tạo ra nhiều giá trị xã hội.

Trong chia sẻ mới đây tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của ngành TT&TT, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết, trong dự thảo Đề án phát triển Việt Nam số - Digital Vietnam, cơ quan này đề xuất tầm nhìn của chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2030 là “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số. Mọi người đều có thể tham gia và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, cần phải giữ gìn những giá trị cơ bản của con người”.

Cùng với việc đề xuất các mục tiêu cụ thể, lộ trình chuyển đổi Việt Nam, đại diện Cục Tin học hóa cũng nhấn mạnh đến các yếu tố nền tảng cho công cuộc chuyển đổi thành nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số như: nguồn nhân lực; hạ tầng số; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; an ninh mạng; phát triển doanh nghiệp công nghệ thúc đẩy chuyển đổi; và đặc biệt là nền tảng về thể chế, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số.

Người đứng đầu Cục Tin học hóa – Bộ  TT&TT cho rằng: "Cuộc cách mạng chuyển đổi số này chính là một cuộc cách mạng về thể chế. Nếu chúng ta không làm tốt môi trường pháp lý, sẽ không thể chuyển đổi số thành công. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể thay đổi nhanh các Luật, Nghị định. Do đó, giải pháp trước mắt là giải pháp Sandbox để thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm, dịch vụ mới.

Đánh giá về môi trường pháp lý cho phát triển ICT tại Việt Nam hiện nay, Cục Tin hóa cho hay, trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành tạo điều kiện ứng dụng và phát triển ICT trong các lĩnh vực. Cụ thể như Luật CNTT, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, các Nghị định…

Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, như thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ, của doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo,…. Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.

Cũng theo vị đại diện cơ quan xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia, về lâu dài, Việt Nam cần thực hiện rà soát, sửa đổi các Luật hiện hành theo hướng thúc đẩy chuyển đổi số: “Cơ bản hiện nay các luật được xây dựng trên môi trường thực, chưa đề cập đến những hành vi giao dịch trên môi trường ảo nhiều. Vì thế tương lai các Luật sẽ phải được thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn”.

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết thêm, theo kinh nghiệm của một số quốc gia, cần có một bộ luật là Luật chuyển đổi số, ví dụ như ở Pháp gọi là Luật Cộng hòa số, Anh gọi là Luật kinh tế số, còn Thái Lan gọi là Luật xã hội số… “Chúng tôi đề xuất xây dựng Luật chuyển đổi số để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số Việt Nam”, đại diện Cục Tin học hóa nêu quan điểm.

Cũng nhằm xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm môi trường an toàn, tin cậy, cho chuyển đổi số, tại dự thảo 1.05 của Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Cục Tin học hóa đã đề xuất hàng loạt nhiệm vụ cho thời gian tới như: xây dựng pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, tài sản số; xây dựng pháp luật chống tin giả mạo, lừa đảo, sai pháp luật trên mạng, trong đó yêu cầ các doanh nghiệp cung cấp nền tảng phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, gỡ bỏ trước các loại hình thông tin này; xây dựng pháp luật liên quan đến quyền, đạo đức xã hội khi sử dụng AI/hệ thống ra quyết định tự động/robots…

“Trong thời gian trước mắt, có một số Nghị định cụ thể sẽ được xây dựng và ban hành, đó là các Nghị định về: quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; định danh và xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân”, đại diện Cục Tin học hóa thông tin.