Trước đó, như ICTnews đã đưa tin, TP.HCM  là địa phương đầu tiên trong cả nước đã chính thức liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng chính phủ qua Trục liên thông trên hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng cho biết, việc liên thông phần mềm quản lý văn bản cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội qua hệ thống Trục liên thông. Hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa 2 cơ quan.

Về kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản các sở, ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã, theo Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành, hoạt động ứng dụng gửi, nhận văn bản điện tử, liên thông giữa Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành TP.Hà Nội với các ứng dụng quản lý văn bản của các cơ quan trong Thành phố đã được triển khai từ năm 2009. 

Việc ứng dụng này đã mang lại hiệu quả thiết thực, ổn định, là công cụ gắn liền với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND thành phố, đồng bộ, thông suốt đến các cấp của Thành phố.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố cùng nỗ lực của các sở, ban, ngành, đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản tới 68 sở, ban, ngành; 382/584 đơn vị cấp xã, đạt 65%; 881 đơn vị cấp 2 trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. 

Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội cũng cho biết thêm, thành phố Hà Nội phấn đấu hết năm 2016, cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản các sở, ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã.

Liên quan đến nhiệm vụ xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì thực hiện, theo Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, trong công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 8/4/2016, Văn phòng Chính phủ đã cho biết,  thực hiện Nghị quyết 36a, đơn vị này đã kết nối hệ thống quản lý văn bản với 63 tỉnh, thànhvà 11 bộ, ngành. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đã liên thông với UBND TP.HCM qua Trục liên thông.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2016, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo hoàn thành liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/7/2016.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 36a, trong công văn gửi các bộ,  ngành, địa phương ngày 8/4, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương liên thông văn bản điện tử với Văn phòng thông qua trục liên thông Chính phủ.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đề xuất lịch triển khai kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng qua trục liên thông chia làm 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1,  từ ngày 25/3/2016 đến ngày 30/4/2016, bên cạnh 8 Bộ, ngành (gồm Bộ TT&TT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), còn có 22 địa phương sẽ liên thông hệ thống văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ.  Đó là các tỉnh, thành phố: Bình Định, Quảng Ninh, Tiền Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, Cà Mau, Long An, Khánh Hòa, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Đắk Nông.

Ở giai đoạn 2, từ ngày 1 - 30/5/2016, cùng với Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ cũng sẽ tiến hành liên thông hệ thống phần mềm quản lý văn bản với 39 tỉnh, thành phố: Yên Bái, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Bến Tre…