Ảnh minh họa: Internet

Togo

Bộ Đổi mới công nghệ, Kinh tế số và Bưu chính Togo xác định và điều phối việc thực thi các chính sách nhà nước trong lĩnh vực bưu chính và kinh tế số. Bộ xử lý các vấn đề liên quan tới phát triển, thúc đẩy hoạt động bưu chính. Bộ điều phối, giám sát và quản lý hoạt động của lĩnh vực bưu chính, bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, tối ưu trên toàn lãnh thổ. Bộ quản lý hoạt động của nhà nước liên quan tới phát triển kinh tế số. Để làm được điều đó, Bộ thúc đẩy và phổ biến công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) cho ngành kinh tế số vừa xuất hiện.

Từ năm 2010, Cina Lawson trở thành Bộ trưởng Bộ Đổi mới công nghệ, Kinh tế số và Bưu chính Togo. Bộ trưởng phụ trách thiết kế và thực thi chiến lược quốc gia để: phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật liên quan tới kinh tế số; tiếp tục triển khai và nhân rộng truy cập Internet băng rộng, phát triển nội dung số trên toàn lãnh thổ; dần dần cho phép mọi công dân, bất kể nơi ở, tiếp cận công cụ, dịch vụ và nội dung số; bổ sung sáng kiến liên quan để mọi lĩnh vực trong hoạt động CNTT trở thành nhân tố phát triển, tăng cường hiệu quả; đóng góp cho phát triển kỹ năng trong lĩnh vực; góp phần thiết lập các công cụ pháp lý nhằm đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ cá nhân trước sự phổ biến của dữ liệu số cá nhân; góp phần cải thiện việc quản trị thông qua tăng cường sử dụng công cụ kỹ thuật số; giúp chính quyền và các tổ chức liên quan thích ứng với hình thức trao đổi mới.

Tunisia

Theo Nghị định 2012-1997 ra đời ngày 11/9/2012, Bộ Công nghệ Thông tin và Kinh tế số Tunisia có nhiệm vụ đề xuất chính sách chung trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, bảo đảm thi hành nhằm củng cố vai trò của ngành trong phát triển kinh tế và cộng đồng.

Bộ trưởng phụ trách: thiết lập chiến lược quốc gia và giám sát việc thi hành; thiết lập các chương trình, thủ tục để phát triển và hợp nhất ngành công nghệ thông tin – truyền thông.

Nigeria

Từ năm 1999 tới 2010, ngành công nghệ thông tin của Nigeria nằm dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Năm 2011, Bộ bị chia tách và Bộ Công nghệ Truyền thông ra đời. Năm 2015, Bộ được đổi tên thành Bộ Truyền thông.

Được sự ủng hộ của Bộ trưởng Truyền thông Isa Pantami, năm 2019, Bộ đổi tên thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số liên bang, đại diện cho bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc đổi tên nhằm “cải thiện doanh thu cho Nigieria và tạo ra nhiều việc làm kỹ thuật số”. Theo Bộ trưởng, tên gọi cũ giới hạn phạm vi và lỗi thời so với xu hướng đương đại.

Ông chỉ ra một số nước như Scotland, Thái Lan, Tunisia, Benin Republic cũng thành lập các Bộ kinh tế số. Năm 2016, Bộ Công nghệ thông tin truyền thông Tunisia đổi tên thành Bộ Công nghệ thông tin và Kinh tế số. Tuy nhiên, theo Kyane Kassiri, một công dân và là nhà đầu tư mạo hiểm, việc đổi tên dường như không có ý nghĩa, không ảnh hưởng tới kinh tế mà chỉ là dấu hiệu cho thấy quốc gia nhận thức rõ hơn về cụm từ này.

Dù hệ sinh thái số Tunisia chứng kiến nhiều tiến bộ trong vài năm gần đây và có thay đổi quan trọng về pháp lý với Đạo luật Khởi nghiệp Tunisia 2020, ông không tin đây là do bộ đổi tên. Thực tế, ông miêu tả nó là “quảng bá chính trị” vì các dự án số đã khởi động từ trước đó khá lâu.

Bộ Kinh tế số và Truyền thông của Cộng hòa Benin vừa được đổi tên thành Bộ Kỹ thuật số và Chuyển đổi số Benin sau 10 năm. Tên mới của Bộ đại diện cho bước tiến gần hơn tới quản trị trực tuyến và sử dụng hiệu quả Internet của các nhà hoạch định chính sách.

Thái Lan

Ngày 3/6/2016, Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan nhất trí phê chuẩn luật thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế số (MDES) mới. Đây là một phần trong sáng kiến sâu rộng kéo dài nhiều năm của chính phủ nhằm thiết lập nền kinh tế số tại Thai Lan và chuyển đổi quốc gia sang xã hội số.

Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (MICT) bị giải thể và thay thế bằng MDES, chịu trách nhiệm lập kế hoạch, thúc đẩy, phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan tới xã hội và kinh tế số. Bộ cũng thành lập một số cơ quan mới như Hội đồng An ninh mạng quốc gia, Ủy ban các vấn đề xã hội và kinh tế số.

Các cơ quan cũ thuộc MICT như Cục thống kê quốc gia, Cơ quan phát triển giao dịch điện tử, Bưu điện Thái Lan, TOT, CAT Telecom được chuyển sang MDES. Trung tâm cảnh báo thảm họa quốc gia, trước đây thuộc MICT, chuyển sang Bộ Nội vụ.

Ngày 2/8/2016, Hội đồng chuẩn bị cho Xã hội và Kinh tế số Thái Lan do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu phê duyệt dự thảo Kế hoạch phát triển Kinh tế và xã hội số. Kế hoạch sẽ được triển khai trong 20 năm, bao gồm 4 giai đoạn: thiết lập nền tảng số; tiến vào kinh tế và xã hội số thông qua sự tham gia của mọi lĩnh vực; đạt năng lực đầy đủ để cải cách “Thái Lan số”; ứng dụng công nghệ số để nâng cấp Thái Lan thành quốc gia phát triển.

6 chiến lược được đưa ra để đạt được các mục đích trên, đó là tạo ra cơ sở hạ tầng số bền vững trên cả nước; tăng tốc kinh tế thông qua sử dụng công nghệ số; tạo ra “xã hội số”; chuyển đổi khu vực công sang “chính phủ số”; phát triển lực lượng lao động sẵn sàng cho kỷ nguyên số; tạo dừng lòng tin của công chúng khi sử dụng công nghệ số. Ngoài ra, các dự án thí điểm được triển khai nhằm biến Phuket và Chiang Mai thành “thành phố thông minh”, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được khuyến khích tiến hành kinh doanh thông qua kinh tế số.