Điện lực thành phố Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên hiện đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển lưới điện thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo thông tin Sở Thông tin & Truyền thông (Sở TT&TT) tỉnh Điện Biên, Điện lực thành phố Điện Biên Phủ đã ứng dụng nhiều phần mềm, công nghệ mới, trong đó phải kể đến việc lắp đặt công tơ điện tử thông minh thay thế công tơ cơ khí trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng điện tiết kiệm.

Điện lực thành phố Điện Biên Phủ đã ứng dụng nhiều phần mềm, công nghệ mới, trong đó phải kể đến việc lắp đặt công tơ điện tử thông minh thay thế công tơ cơ khí trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng điện tiết kiệm. Nguồn ảnh: Sở TT&TT Điện Biên.

Ông Đặng Kim Ngoạn, Giám đốc Điện lực thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ, để phục vụ khách hàng tốt nhất, đơn vị đã ứng dụng nhiều công nghệ thông tin, như các phần mềm quản lý khách hàng (CMIS 3.0); công nghệ RF thu thập số liệu đo xa dành cho đồng hồ điện tử; nhắn tin SMS… ; trong đó, nhiều tiện ích và giảm được nhiều nhân công nhất là ứng dụng công tơ điện tử có chức năng đo xa.

Áp dụng lắp công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa, công việc của người thợ điện giảm tải nhiều. Trước kia, mỗi lần đi ghi công tơ của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn phải đến từng hộ gia đình để ghi chép lại, nhưng lắp công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa thì nhân viên trong đơn vị có thể ngồi tại cơ quan để ghi chỉ số tiêu thụ cụ từng hộ gia đình trên địa bàn quản lý.

Hiện nay, 95% công tơ trên địa bàn đơn vị quản lý là công tơ điện tử, trong đó 100% công tơ trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã được thay thế bằng công tơ điện tử. Dự kiến hết năm 2018, Điện lực thành phố Điện Biên Phủ sẽ áp dụng 100% công tơ điện tử vào sử dụng trên địa bàn quản lý, giúp nâng cao năng lực phục vụ khách hàng và phát triển hệ thống điện thông minh.

Do hệ thống lưới điện trải dài nên để tránh tình trạng xảy ra sự cố, gây mất điện cục bộ, diện rộng, Điện lực thành phố Điện Biên Phủ đã ứng dụng hệ thống máy cắt đóng lặp lại (RECLOSER) tại các đầu tuyến. Hệ thống máy cắt đóng lặp lại sẽ tự động cắt điện ở nhánh xảy ra sự cố, mà không làm mất điện các nhánh khác nên vẫn đảm bảo cung cấp điện cho các khu vực còn lại.

Đối với trường hợp đóng lặp lại không thành công, nhân viên có thể ở nhà điều khiển đóng cắt từ xa, mà không cần đến vị trí xảy ra sự cố để tiến hành thao tác đóng cắt điện thủ công.

Ngoài ra, trong các hoạt động của đơn vị còn sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng để quản lý sản xuất, cũng như quá trình, thao tác tại hiện trường của công nhân, như: phần mềm kế toán, quản lý vật tư; phần mềm quản lý sơ đồ lưới điện; phần mềm eOffice 3.0; phần mềm quản lý an toàn lao động... phục vụ cho hoạt động sản xuất điện năng.

Về tổng thể ngành Điện lực, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn EVN cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành, EVN đã bắt tay vào việc thực hiện tiếp cận công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tới nay, Tập đoàn đã hoàn thành và phê duyệt "Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam".

EVN cho biết, mục tiêu của tập đoàn này là là trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực, phát triển bền vững, hiệu quả, ứng dụng các công nghệ số, CNTT và công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.