Gần đây, Điều 230 đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông ban hành năm 1996 tại Mỹ đang là chủ đề gây tranh cãi. Những chính trị gia cho rằng nó giúp các công ty Internet không phải chịu trách nhiệm về nội dung của người dùng, có thể đưa ra quy định kiểm duyệt riêng.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh nhắm vào kiểm duyệt nội dung trên các trang mạng xã hội, với mục tiêu loại bỏ hoặc sửa đổi Điều 230. Nếu được thông qua, các công ty Internet sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng đăng tải.

Không chỉ có mục đích bảo vệ quyền tự do ngôn luận, Điều 230 còn là "bùa hộ mệnh" của Facebook, Google và các công ty Internet.

Dieu 230 la gi ma Facebook, Twitter khong muon bai bo anh 1

Điều 230 là chủ đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây với ý nghĩa bảo vệ các nền tảng Internet. Ảnh: Getty Images.

Điều luật tồn tại trong hơn 20 năm

Đầu những năm 1990, một công ty môi giới tên Stratton đã kiện Prodigy Services, nhà cung cấp dịch vụ Internet với cáo buộc phỉ báng trong một bình luận của người dùng.

Stratton được thành lập bởi Jordan Belfort, người từng bị kết tội gian lận chứng khoán và được tái hiện bởi diễn viên Leonardo DiCaprio trong phim Sói Già Phố Wall. Một người dùng ẩn danh đã viết trên bảng tin của Prodigy rằng Stratton có hành vi lừa đảo, phạm pháp.

Tòa án tối cao New York phán quyết rằng Prodigy phải chịu trách nhiệm pháp lý do đã kiểm duyệt, biên tập bình luận trước khi đăng lên như một "nhà xuất bản" (publisher).

Phán quyết của tòa án đã thu hút sự chú ý của Ron Wyden, thành viên đảng Dân chủ từ Oregon và Christopher Cox, thành viên đảng Cộng hòa từ California. Họ lo rằng quyết định này sẽ khiến các website gắt gao hơn trong việc kiểm soát nội dung, ảnh hưởng đến tự do ngôn luận trên Internet, khiến hàng loạt dịch vụ mới không thể phát triển.

Dieu 230 la gi ma Facebook, Twitter khong muon bai bo anh 2

Điều 230 ra đời năm 1996 sau vụ kiện liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ Internet Prodigy. Ảnh: Getty Images.

Năm 1996, Mỹ ban hành Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act), nằm trong Đạo luật Viễn thông (Telecommunications Act) để kiểm soát nội dung khiêu dâm trên Internet. 2 nghị sĩ Wyden và Cox là tác giả của Điều 230.

Thuộc Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, nội dung của Điều 230 là: “No provider or user of an interactive computer service shall be treated as the publisher or speaker of any information provided by another information content provider” (tạm dịch: “Không một nhà cung cấp hoặc người dùng dịch vụ tương tác trên máy tính nào bị xem là nhà xuất bản hoặc nói về bất cứ thông tin được cung cấp bởi người đăng tải nội dung thông tin khác”).

Nói ngắn gọn, Điều 230 giúp các website không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu người dùng của họ đăng tải nội dung phi pháp hoặc gây tranh cãi. Người dùng sẽ không thể kiện Facebook, Twitter hay Google nếu họ bị người khác bôi xấu trên nền tảng.

Có nên bãi bỏ Điều 230?

Thời điểm Điều 230 được thông qua, Google chưa thành lập còn Mark Zuckerberg - CEO Facebook - chỉ mới 11 tuổi. Nếu không có Điều 230, hầu hết website phổ biến sẽ không thể hoạt động theo cách mà chúng ta đang biết. Nói cách khác, nó đã góp phần giúp Facebook, YouTube, Twitter và nhiều nền tảng Internet phát triển như hiện nay.

Điều 230 được xem là rất cần thiết bởi nó cho phép mọi người tự do bình luận, đóng góp nội dung trên Internet. Tuy nhiên, mặt trái của Điều 230 là khiến mạng xã hội trở thành nơi kích động bạo lực, đe dọa, bắt nặt, chứa tin giả...

Dieu 230 la gi ma Facebook, Twitter khong muon bai bo anh 3

Nhiều chính trị gia cho rằng 230 là điều luật thiên vị, cần sửa đổi hoặc bãi bỏ. Ảnh: Los Angeles Times.

Từ khi Điều 230 được áp dụng, tòa án đã nhiều lần đứng về phía các công ty Internet trong các vụ kiện về nội dung. Đó cũng là lý do những nền tảng lớn không muốn Điều 230 bị bãi bỏ. Dù vậy, họ vẫn có bộ quy tắc kiểm duyệt riêng với nội dung thù địch, đe dọa bạo lực, khủng bố hoặc quấy rối.

Cả ngành công nghiệp Internet cũng có lý do để giữ Điều 230. Nó đã giúp tạo ra các công ty hàng trăm tỷ USD, với mô hình kinh doanh béo bở là đặt quảng cáo bên cạnh các nội dung (phần lớn là miễn phí) do người dùng tạo ra.

Mô hình trên được áp dụng cho nhiều mạng xã hội như Facebook, Twitter và Snapchat. Wikipedia và Reddit phụ thuộc vào khách truy cập để duy trì hoạt động, trong khi Yelp và Amazon dựa vào bài đánh giá về doanh nghiệp và sản phẩm.

Dieu 230 la gi ma Facebook, Twitter khong muon bai bo anh 4

Điều 230 được ví như "thanh kiếm và chiếc khiên" bảo vệ các mạng xã hội. Ảnh: Slate.

Điều 230 như "thanh kiếm và chiếc khiên"

Hồi tháng 5, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh gây tranh cãi nhắm vào Điều 230, thể hiện sự bất bình khi Facebook và Twitter gắn nhãn các bài đăng của ông chứa thông tin sai sự thật. Đây cũng là chủ đề gây tranh cãi của nhiều chính trị gia.

Một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng các công ty công nghệ không nên được hưởng các biện pháp bảo vệ trong Điều 230 vì đã kiểm duyệt một số bài đăng từ những người có quan điểm chính trị khác biệt.

Trong khi đó, nhiều thành viên đảng Dân chủ lập luận rằng các website đã không nghiêm túc trong việc gỡ bỏ nội dung có vấn đề vì chúng được bảo vệ bởi Điều 230.

Ông Wyden cho biết Điều 230 được tạo ra như một “thanh kiếm và chiếc khiên” cho các công ty Internet. "Chiếc khiên" đóng vai trò bảo vệ trách nhiệm pháp lý đối với nội dung của người dùng, còn "thanh kiếm" được dùng để các công ty tránh xa những “tài liệu gây khó chịu”.

Tuy nhiên, ông cho rằng các công ty đã chưa làm đủ để ngăn chặn nội dung không phù hợp khỏi trang web của họ. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times năm 2019, Wyden chia sẻ việc ông từng nói với nhân viên của các công ty công nghệ rằng nếu bạn “không sử dụng kiếm, sẽ có người đến lấy cả chiếc khiên”.

Sẽ ra sao nếu Điều 230 không còn?

Ngoài Tổng thống Trump, cựu phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng kêu gọi bãi bỏ Điều 230. Tuy nhiên, không dễ dàng để làm điều này. Các công ty như Facebook, Twitter, Google nhiều khả năng sẽ phản đối đề xuất, khiến quá trình thảo luận của Quốc hội bị kéo dài.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz từ đảng Cộng hòa ví luật này như là món “trợ cấp, đặc quyền” cho các hãng công nghệ lớn và cần được xem xét lại. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gọi Điều 230 là “món quà có thể loại bỏ” cho các công ty công nghệ.

Nói về cáo buộc kiểm duyệt hay thiên vị nội dung, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Twitter hay Google đều khẳng định chúng là vô căn cứ. Một số người cũng phản đối việc bãi bỏ hoặc sửa đổi Điều 230, cho rằng điều đó đồng nghĩa với loại bỏ đi quyền tự do ngôn luận, phá vỡ Internet mà chúng ta từng biết.

Dieu 230 la gi ma Facebook, Twitter khong muon bai bo anh 5

Bãi bỏ Điều 230 sẽ ảnh hưởng lớn đều các nền tảng Internet phổ biến. Ảnh: Fox Business.

“Thiên vị chính trị vẫn là cáo buộc không có cơ sở, chúng tôi đã bác bỏ nhiều lần trước Quốc hội. Nó cũng không được chứng minh bởi các nghiên cứu độc lập”, Twitter chia sẻ.

Các công ty công nghệ cũng không muốn bị người dùng kiện tụng. Nếu Điều 230 không còn, họ phải chịu trách nhiệm về mọi bài đăng trên mạng xã hội, nghĩa là việc kiểm duyệt sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian hơn. Cuối cùng nếu không còn Điều 230, sự sáng tạo và tự do đăng tải nội dung cũng sẽ không còn như trước.

Về lý thuyết, hệ thống kiểm duyệt của Twitter, Facebook hay bất cứ mạng xã hội sẽ phải kiểm duyệt từng bài đăng xem nó có nói xấu ai hay không. Với các dịch vụ hàng tỷ người dùng, việc kiểm duyệt từng bài đăng là rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

Theo Zing

Quốc hội Nga thông qua dự thảo luật ngăn chặn Twitter, Facebook và YouTube

Quốc hội Nga thông qua dự thảo luật ngăn chặn Twitter, Facebook và YouTube

Dự thảo này nhằm chống lại sự kiểm duyệt đối với truyền thông Nga của một số nền tảng mạng xã hội lớn xuất xứ từ Mỹ.