Trong một trang nêu ý kiến bình luận trên báo The Daily Beast hôm thứ Bảy (30/3) vừa rồi, de Becker cho biết đội ngũ của mình đã tự tin kết luận rằng Ả Rập Xê Út đã tiếp cận điện thoại của Bezos và lấy cắp thông tin riêng tư sau khi điều tra làm thế nào mà tin nhắn của Bezos gửi cho nhân tình Lauren Sanchez rốt cuộc lại vào tay của tờ báo The National Enquirer.

Việc một chính phủ nước ngoài sử dụng công nghệ theo dõi thông tin cá nhân của một CEO tập đoàn Mỹ nổi tiếng nghe có vẻ viễn tưởng, nhưng hóa ra việc theo dõi thông tin trên điện thoại thực chất là một quá trình hết sức công phu với sự trợ giúp của công nghệ "phần mềm gián điệp thực thi pháp luật", là một ngành công nghiệp 12 tỷ đô.

Trong bài bình luận cách thức Ả Rập Xê Út truy cập điện thoại của Bezos, De Becker trích dẫn từ bài viết của tờ New York Times về các công ty làm tay sai cho chính phủ hoạt động trên mạng, bao gồm NSO Group, DarkMatter và Black Cube. Đây là những công ty nằm trong tay của chính phủ, sử dụng thủ thuật công nghệ cài đặt kỹ thuật gián điệp tân tiến và có mặt trên toàn cầu.

Công ty mới thành lập gần đây nhất là NSO Group, là một công ty startup Israel với vốn 1 tỷ đô đặt ra mục tiêu giúp cơ quan chính phủ bài trừ và điều tra khủng bố và tội phạm, cứu giúp hàng nghìn mạng sống trên khắp thế giới.

NSO Group được lập vào năm 2008 bởi Shalev Hulio and Omri Lavie nhằm giúp các nhà cung cấp điện thoại truy cập vào điện thoại của khách hàng và thực hiện bảo hành.

Theo nguồn điều tra của tạp chí The Times, đến nay, công ty này đã giúp Ả Rập Xê Út có được thông tin của đối thủ, giúp Mexico truy lùng bọn buôn ma túy và kiếm được hàng triệu đô từ các việc làm tương tự cho hàng chục chính phủ khác nhau.

Tờ The Times chia sẻ, Pegasus - công nghệ chủ chốt của NSO Group ra mắt vào năm 2011. Công nghệ này cho phép người sử dụng thu thập dữ liệu từ xa từ ứng dụng như Facebook, WhatsApp và Skype cũng như dữ liệu tin nhắn, email, cuộc gọi và vị trí mà không để lại dấu vết gì.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ giúp Mexico bắt băng nhóm tội phạm buôn ma túy, công ty bị ở giữa tâm điểm kiện tụng khi công nghệ của công ty bị tố được Ả Rập Xê Út sử dụng để theo dõi Jamal Khashoggi, một nhà báo bị sát hại tại lãnh sự quán của Istanbul vào tháng 10 năm ngoái.

NSO Group cũng bị phát hiện đã làm việc với UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) sau khi UAE bị bắt quả tang cài đặt phần mềm của công ty lên trên điện thoại của nhà hoạt động nhân quyền Ahmed Mansoor.

Phát ngôn viên của công ty NSO cho biết công ty không cài đặt công nghệ nào lên điện thoại của Bezos. Bà chia sẻ: "Chúng tôi có thể tự tin phát ngôn công ty đã không sử dụng công nghệ trong trường hợp này. Chúng tôi chắc chắn điều này bởi vì phần mềm của công ty không thể áp dụng được trên các số điện thoại thuộc quốc gia Hoa Kỳ. Công nghệ của công ty chỉ được cấp phép để ngăn chặn hoặc điều tra tội phạm và khủng bố nên tuyệt đối không có khách hàng nào của công ty sử dụng công nghệ nhắm mục tiêu vào điện thoại của ông Bezos."

NSO Group không phải là công ty duy nhất trong lĩnh vực gián điệp quốc tế.

Tờ The Times tiết lộ cuộc cạnh tranh gay gắt giữa NSO Group và công ty của UAE có tên DarkMatter được hình thành sau khi công ty CyberPoint bên Mỹ từ chối lời đề nghị của UAE lách luật quốc gia này bằng cách tắt mã hóa và đột nhập vào trang web quản lý bởi nhà mạng nước Mỹ.

Mục tiêu mà DarkMatter đưa ra là tạo một thế giới mà các doanh nghiệp và chính phủ có thể khai thác và tận dụng tối đa lợi ích môi trường kỹ thuật số hữu hiệu và an toàn. Tuy nhiên, công nghệ của công ty không chỉ dừng lại ở việc theo dõi điện thoại cá nhân. DarkMatter từng bị tố đã hack bộ đàm trông trẻ tại nhà của ông Mansoor để nghe lén các cuộc trò chuyện của nhà hoạt động nhân quyền này.