Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT cho biết, FPT Digital Kaizen là phương pháp luận được kết hợp dựa trên kinh nghiệm thực tế gồm cả thành công và thất bại trong hàng chục năm tham gia các dự án chuyển đổi số.

Chuyển dịch sang cung cấp giải pháp chuyển đổi số

Theo ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT, ngay từ năm 2012, khi làn sóng của cuộc cách mạng 4.0 mới manh nha, FPT đã tiên phong đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới như AI, Cloud, Big Data, IoT… Bên cạnh đó, kinh nghiệm đã tích lũy được trong 3 thập kỷ trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, cùng với việc làm chủ được các công nghệ mới nhất, FPT đã bắt đầu tham gia thực hiện các dự án chuyển đổi số cho các khách hàng, đối tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt, trong đó có nhiều khách hàng trong top Fortune Global 500.

Chưa dừng lại ở đó, để nâng cao thế và lực cho công cuộc chuyển đổi số, năm 2018, FPT đã mua Intellinet – 1 trong các công ty tư vấn CNTT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Mỹ để bổ sung đội ngũ chuyên gia tư vấn tại thị trường này. Đầu năm 2019, FPT đã mời được ông Phương Trầm – cựu CIO, người đã trực tiếp chỉ đạo thành công quá trình chuyển đổi số của tập đoàn DuPont, một trong những câu chuyện thành công điển hình về chuyển đổi số trên thế giới – về làm tư vấn trưởng chuyển đổi số của FPT.

Tuy nhiên, tại sao phải đến năm 2019, FPT mới chính thức công bố chuyển dịch thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, ông Việt Anh cho rằng do đến nay FPT mới hội tủ các yếu tố quan trọng nhất, bao gồm kinh nghiệm chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn lớn toàn cầu; hệ thống giải pháp, nền tảng công nghệ đa dạng cho nhiều ngành nghề; nguồn nhân lực hùng hậu từ tư vấn chuyển đổi số đến triển khai và đúc rút được phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen. “Việc chuyển dịch này sẽ giúp FPT có những bước tiến mới đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Để dẫn chứng về hiệu quả của phương pháp luận FPT Digital Kaizen, ông Việt Anh đưa ra ví dụ về một công ty Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và thương mại đã có 15 năm hoạt động. Trong 10 năm đầu tiên, công ty đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, trung bình 50%/năm và dễ dàng vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 thị trường. Nhưng sau khi các đối thủ sử dụng công nghệ để cạnh tranh, tốc độ phát triển của công ty đã chững lại, lợi nhuận của công ty cũng suy giảm đáng kể khi năm 2018 chỉ còn tương đương 55% lợi nhuận của năm 2013.

Sau khi làm một cuộc khảo sát, FPT đã phát hiện những vấn đề lớn mà công ty này gặp phải, đó là việc quản lý khách hàng phân tán, hệ thống vận hành cũ của 15 năm trước, năng suất lao động không được đo đạc.

Sau đó, FPT đã thống nhất sử dụng FPT Digital Kaizen để giúp doanh nghiệp quay lại đà tăng trưởng cao. Kết quả sau 3 tháng đã có những tín hiệu rất tích cực, như dữ liệu khách hàng đã được tập trung, năng suất lao động tăng 10%... Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở các giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng, các sản phẩm chuyển đổi số của FPT cũng đã đạt được những thành tích nhất định. Trong báo cáo RPA Chaos Map mới được công bố, AkaBot - nền tảng tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) của FPT đã được đưa vào top 30 sản phẩm RPA đứng đầu thế giới, đứng cạnh các sản phẩm Unicorn đình đám được đầu tư hàng nhiều trăm triệu đô khác trên thế giới.

Tại FPT Techday 2019, một khách hàng của FPT đến từ Chi nhánh của Tổng công ty điện lực miền Trung cho biết trong vòng 6 tháng qua, Hệ thống tổng đài tự động FPT.AI đã giúp đơn vị này thực hiện 45 895 lượt cuộc gọi, tương đương 420 ngày công của tổng đài viên để thông báo cho khách hàng thông tin về sự cố lưới điện, hoặc lịch cắt điện, giúp đơn vị này tiết kiệm ước tính 600 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, nền tảng FPT AI là sản phẩm hiếm hoi về công nghệ 4.0 được xây dựng bởi người Việt Nam, cũng đã có 28.101 tài khoản với khoảng 7,7 triệu lượt sử dụng một tháng.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 của FPT, doanh thu và lợi nhuận khối Công nghệ dự kiến đạt 15.450 tỷ đồng và 1.933 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng doanh thu và 43% tổng lợi nhuận của toàn Tập đoàn.

Viễn thông, đào tạo lép vế trước chuyển đổi số?

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 của FPT, doanh thu và lợi nhuận khối Công nghệ dự kiến đạt 15.450 tỷ đồng và 1.933 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng doanh thu và 43% tổng lợi nhuận của toàn Tập đoàn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt mục tiêu chuyển đổi số, trong đó tập trung vào khối Công nghệ với FPT IS và FPT Software, phải chăng các mảng khác như viễn thông và giáo dục đang gặp khó khăn nên để đạt mức tăng trưởng cao, FPT buộc phải chuyển hướng. Chưa kể đến, việc chuyển đổi số trong 2 mảng này dường như cũng khá lặng lẽ, nếu so với Công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS) và Công ty phần mềm FPT (FPT Software).

Tuy nhiên, ông Việt Anh đã phủ nhận vấn đề này và cho rằng, công nghệ và viễn thông đang là hai lĩnh vực kinh doanh đóng vai trò chủ đạo trong tổng cơ cấu doanh thu của FPT. Trong 2 năm 2018, 2019, doanh thu từ hai mảng này chiếm trên 90% tổng doanh thu của FPT. Bên cạnh đó, giáo dục là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của FPT hiện nay vì công nghệ càng phát triển thì nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT ngày càng lớn.

Do vậy trong thời gian tới, FPT tiếp tục tập trung đầu tư cả 3 mảng: công nghệ để tạo ra những giá trị mới và tăng trưởng bền vững cho FPT; đầu tư hạ tầng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong mảng viễn thông nhằm tạo ra những giá trị gia tăng mới cho khách hàng; đồng thời mở rộng quy mô và cơ sở đào tạo, đặc biệt đào tạo công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT...

Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng cho rằng, dù mảng viễn thông của FPT (FPT Telecom) duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong suốt 5 năm qua, nhưng đang đứng trước cơ hội lớn và thách thức cũng lớn, mảng viễn thông cũng đòi hỏi phải chuyển mình thông qua chuyển đổi số để tạo ra các giá trị mới. Một trong những dự án chuyển đổi số mảng viễn thông của FPT là Chương trình dự báo khách hàng rời mạng thông qua việc phân tích thói quen và nhu cầu khách hàng để có những chương trình chăm sóc, chính sách phù hợp…

Trước câu hỏi, trong năm vừa qua, FPT đã “làm gương” trong việc chuyển đổi số trong chính nội bộ FPT với gần 36.000 nhân sự như thế nào, ông Việt Anh cho biết, FPT đã xây dựng kế hoạch 3 năm cho từng công ty thành viên và đang triển khai theo lộ trình từng năm.

FPT đang triển khai 47 dự án chuyển đổi số. Mỗi công ty thành viên có một kế hoạch riêng nhưng đều tập trung vào 3 mục tiêu bao gồm: nâng cao trải nghiệm khách hàng; nâng cao hiệu quả vận hành; nâng cao sự sáng tạo để xây dựng những mô hình kinh doanh mới. “FPT có một bộ KPIs chuẩn để đo đạc hiệu quả chuyển đổi số chung, và có chỉ số riêng cho từng công ty thành viên tuỳ theo đặc thù kinh doanh của mình”, ông Việt Anh cho biết thêm.