{keywords}
 

Dịch vụ xem video trực tuyến Disney+ vừa có mặt tại Thái Lan ngày 30/6. Đây là thị trường thứ tư của Disney+ tại ASEAN, sau Malaysia, Singapore và Indonesia. Song song với quá trình triển khai dịch vụ, “đại gia” Mỹ còn ráo riết tuyển nhân sự cho nền tảng, chẳng hạn Giám đốc PR, truyền thông Đông Nam Á, Giám đốc phát triển, thâu tóm tại Singapore và Malaysia, Giám đốc mạng xã hội Đông Nam Á.

Ông John Engle, Chủ tịch công ty Almington Capital Merchant Bankers, nhận xét ASEAN là thị trường lớn, ngày càng giàu có và có lịch sử lâu đời trong tiêu thụ nội dung phương Tây. Vài năm qua, Disney cũng hướng nội dung nhiều hơn tới thị trường châu Á, bao gồm cả các phim bom tấn và loạt phim gốc.

Năm nay, Disney+ phát hành các phim như “Shang Chi và Huyền thoại 10 nhẫn”, “Raya và Rồng thần cuối cùng” với sự tham gia của các diễn viên châu Á và mang văn hóa châu Á.

Tầm quan trọng của Đông Nam Á với kinh tế số đang được công nhận rộng rãi. Theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể tăng 3 lần vào năm 2025, đạt 300 tỷ USD so với năm 2020. Do dịch Covid-19, mọi người cũng quan tâm hơn đến dịch vụ xem video trực tuyến.

Nghiên cứu chỉ ra phương tiện truyền thông trên mạng đã tăng 22% lên 17 tỷ USD năm 2020 từ 14 tỷ USD năm 2019. Quan sát tại Việt Nam, sở thích tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ truyền phát video tăng 12 lần, còn tại Thái Lan là 8 lần.

Tại ASEAN, Netflix có lợi thế 5 năm so với Disney+ do xuất hiện tại đây từ năm 2016. Theo ông Abhayanand Singh, CEO công ty truyền thông giải trí Vistas Media Capital, cả hai dịch vụ đang dựa vào nội dung độc quyền và quyền sở hữu nhân vật hư cấu riêng để bảo đảm lòng trung thành của khách hàng và tăng trưởng thuê bao.

Chẳng hạn, Disney sở hữu loạt phim “Star Wars”, “The Avengers”, trong khi Netflix nổi tiếng với các nội dung độc quyền như “Stranger Things”, “The Crown”.

Sau cùng, dịch vụ nào có thể cung cấp chương trình chất lượng hơn với mức giá cạnh tranh sẽ đạt tăng trưởng bền vững. Cả Disney và Netflix đều không công khai số lượng thuê bao tại Đông Nam Á. Song, nếu nói về khán giả mới, dường như Disney đang thắng thế.

Báo cáo hồi tháng 5 của hãng nghiên cứu Media Partners Asia (MPA) liệt kê Disney+ chiếm thị phần thuê bao trả tiền mới lớn nhất trong khu vực, tỉ lệ 43% trong ba tháng đầu năm. Netflix chiếm 9%, Viu (Hàn Quốc) chiếm 12%, AIS Play (Thái Lan) 9%, WeTV (Trung Quốc) 5%, iQiyi (Trung Quốc) 3%.

Nhà phân tích Dhviya T của MPA nhận xét với số lượt phút xem video trực tuyến tăng theo quý, trận chiến giành người dùng sẽ đặc biệt cạnh tranh đối với các nền tảng nhỏ hơn. Những tựa phim mới hấp dẫn vô cùng quan trọng để chiếm được và duy trì thị phần.

Trên toàn cầu, Disney+ có gần 104 triệu thuê bao trả tiền và trên đà đạt 230 đến 260 triệu thuê bao vào năm 2024, theo CEO Bob Chapek. Tính tới cuối năm 2020, Netflix có trên 200 triệu thuê bao trả tiền quốc tế và hơn 20 triệu thuê bao tại châu Á – Thái Bình Dương. Dịch vụ của hãng có mặt tại tất cả 10 nước ASEAN.

Theo Giám đốc Nội dung khu vực Đông Nam Á của Netflix, cạnh tranh đồng nghĩa với nhiều cơ hội hơn cho nhà sáng tạo và người tiêu dùng. Luật sư Jonathan Kok cho biết, Netflix đang ủy thác cho các công ty sản xuất khu vực để làm ra nội dung phục vụ thị trường châu Á. Ông là đại diện pháp lý cho các công ty sản xuất địa phương.

Ông nhận xét đây là thị trường vô cùng cạnh tranh và khán giả có nhiều lựa chọn. “Để tranh đua và giành thị phần, một nền tảng truyền phát không thể chỉ phụ thuộc vào các chương trình quốc tế. Họ phải có sự hòa hợp với nội dung địa phương để thu hút người xem địa phương đăng ký”, ông nói trên Nikkei.

Du Lam (Theo Nikkei)

Netflix đã gỡ bỏ phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Netflix đã gỡ bỏ phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Sau khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có văn bản yêu cầu gỡ bỏ bộ phim truyền hình “Pine Gap” do có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, ngày 30/6 Công ty Netflix đã gỡ bỏ bộ phim này.