Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các hội thảo về thành phố thông minh có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế trình bày về các mô hình, giải pháp, các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng mô hình thành phố thông minh. Một số địa phương cũng đã ký kết biên bản hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT… về tư vấn và triển khai các giải pháp về xây dựng thành phố thông minh.

Tại một buổi làm việc về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: “Chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển vì năng suất thấp. Thông qua xây dựng Chính phủ điện tử góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân".

Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ TT&TT, các bộ, ngành địa phương khẩn trương trình Thủ tướng ban hành kế hoạch triển khai Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó chú trọng giải pháp Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành địa phương để tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng cung cấp và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công cho công dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý về nguồn lực, vấn đề hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng lộ trình Chính phủ điện tử. Thủ tướng đề nghị các tập đoàn VNPT, Viettel và FPT cử một số chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong giai đoạn 2018 – 2019, Công ty Cổ phần FPT cũng đã đầu tư 15 tỷ đồng để hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án, ứng dụng liên quan đến thành phố thông minh

Trong giai đoạn 2018 – 2019, Công ty Cổ phần FPT cũng đã đầu tư 15 tỷ đồng để hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án, ứng dụng liên quan đến thành phố thông minh trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, đào tạo phổ cập tiếng Anh, y tế và quản lý du lịch. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng và Công ty Cổ phần FPT đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2020. Các lĩnh vực được Đà Nẵng và FPT ưu tiên phát triển là Giao thông thông minh, Nông nghiệp thông minh, Đào tạo phổ cập tiếng Anh, Y tế và Quản lý du lịch.

UBND TPHCM và Tập đoàn Viettel đã có những hợp tác triển khai các lĩnh vực: trung tâm điều hành; kho dữ liệu dùng chung; an ninh, an toàn thông tin; các giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin nền tảng… Căn cứ vào những vấn đề đang đặt ra cho TP.HCM như giao thông ách tắc, ô nhiễm môi trường, nguồn lực phát triển hạ tầng, Viettel đã đưa ra đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát điều hành tập trung nhằm tổng hợp, điều hành toàn bộ hoạt động của TP.HCM thông qua việc thu thập chuẩn hóa dữ liệu, phân tích...

Hồi tháng 8, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết Biên bản hợp tác về triển khai xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2020. Hợp tác này nhằm triển khai và thực hiện một số nội dung trong Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng, Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tại Đà Nẵng và các chương trình, đề án của Thành phố Đà Nẵng có liên quan về xây dựng thành phố thông minh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, phát triển kinh tế và quản lý đô thị bền vững. Tập đoàn VNPT cũng hỗ trợ UBND Thành phố Đà Nẵng sử dụng chung hạ tầng cống bể ngầm hiện có để triển khai các hệ thống thông tin, phục vụ xây dựng thành phố thông minh.

Ngày 12/12 vừa qua, sau hơn 3 tháng thu thập dữ liệu, xây dựng hệ thống và tổ chức chạy thử, UBND tỉnh Hà Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Lễ khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Hà Nam. Ứng dụng dành cho smartphone cũng chính thức đi vào hoạt động. VNPT và tỉnh Hà Nam đang tiếp tục phối hợp xây dựng và hoàn thiện các phần mềm/ứng dụng thông minh khác để phục vụ cho khách du lịch, hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự xã hội, gìn giữ môi trường, quản lý điều hành giao thông…, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đưa du lịch Hà Nam trở thành địa bàn trọng điểm du lịch khu vực Đồng bằng sông Hồng và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2030.

VNPT cho biết, lĩnh vực CNTT là một trong những trụ cột chính của tập đoàn. Đến thời điểm hiện tại, VNPT đã xây dựng và làm chủ nhiều sản phẩm, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, duy trì thị phần dịch vụ trên toàn quốc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, Chính phủ điện tử. Tính đến tháng 12/2018, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 51 tỉnh, thành phố.