Thực tế, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp đang đứng trước tình cảnh khó khăn vì trọng tâm của hoạt động kinh doanh là quá trình sản xuất, trong khi quá trình này không thể thiếu sự tham gia trực tiếp của người lao động. Vậy đâu là lời giải, liệu rằng họ có thể vận hành online hoặc sử dụng công nghệ như một giải pháp cứu cánh trong giai đoạn này?

Doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức giao khoán nếu phù hợp

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon cho biết: “Thực ra trong một doanh nghiệp có nhiều phòng ban, có những phòng ban làm việc từ xa hiệu quả, có những phòng ban phải làm việc tại chỗ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cho nên không riêng gì các doanh nghiệp sản xuất truyền thống, chúng ta đều cần phân định rõ việc nào có thể làm ở nhà, việc nào không. Trong tình huống doanh nghiệp không có quá nhiều công cụ để tự động hóa quy trình sản xuất thì mình có thể sử dụng hình thức giao khoán nếu phù hợp”. 

Theo ông Quý, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo nhân viên hiểu rõ quy trình để làm ra sản phẩm, về phía công ty sẽ đưa ra các tiêu chuẩn nghiệm thu thậm chí có thể áp dụng hình thức trả lương khoán. Điều này giúp cho người lao động hoàn toàn có thể chủ động về thời gian mà doanh nghiệp vẫn đảm bảo có đủ hàng trong cả chuỗi cung ứng.

“Thực chất các doanh nghiệp đều có thể ứng dụng công nghệ để số hóa mọi hoạt động, trước đây vì có quá nhiều mối bận tâm nên mình chưa dành nhiều sự ưu tiên cho nó. Hiện nay, chúng ta có thể quản trị toàn bộ hệ thống bán hàng đa kênh, từ việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trên website, mạng xã hội hay quản trị tập trung toàn bộ thông tin về đơn hàng, sản phẩm, khách hàng, chương trình khuyến mại, kho hàng ở một nơi. Thậm chí, các công ty sản xuất cũng có phần mềm quản lý sản xuất hoặc nhiều công cụ tự động hóa mà không cần sự tham gia trực tiếp của người lao động ở một số khâu. Là do bận quá mình chưa để ý, chưa áp dụng không có nghĩa là mình không thể áp dụng”, ông Quý cho biết thêm.

Chia nhỏ từng khâu và đưa công nghệ vào để giải quyết

Là người có kinh nghiệm vận hành và tư vấn cho nhiều startup, ông Trần Anh Dũng, Founder và CEO của MOG Việt Nam chia sẻ: “Bản chất các doanh nghiệp vẫn phải đi giải quyết bài toán làm sao để hoạt động của doanh nghiệp mình diễn ra liền mạch, kể cả có dịch bệnh hay không. Thử hình dung thế này, một doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, nhưng văn phòng ở Hà Nội thì cũng là làm việc từ xa, ít nhiều chúng ta đã phải làm quen với việc trao đổi online hoặc tương tác qua phần mềm”.

Vì vậy, ông Dũng cho rằng, duy trì sự liền mạch của cả một chuỗi giá trị là bài toán mà trước giờ chúng ta đã tiếp cận, đại dịch chỉ là một cú “kích nổ” để hình thành tư duy và thói quen thôi. Vì thế, chúng ta chỉ cần chia nhỏ chuỗi giá trị, chặt nhỏ từng khâu, tại mỗi khâu thì tìm cách đưa công nghệ vào để giải quyết.

Ông Dũng còn cho rằng, doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được dù nhiều hay ít, có thể là 50% online, 50% offline. Bài toán lúc này là sử dụng công nghệ để kết nối từng phân đoạn lại với nhau, đảm bảo chuỗi giá trị liền mạch chứ không bị đứt quãng.

Phải đưa ra phương án phù hợp, hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất

Trước tình hình khó khăn này, cũng là startup đồng hành với gần 5.000 khách hàng trong mùa dịch, ông Phạm Kim Hùng, Founder và CEO của Base.vn đã bày tỏ sự đồng cảm với các doanh nghiệp nói chung và khách hàng của Base nói riêng: “Tôi biết là rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, họ không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh và tôi muốn chia sẻ điều đó với tất cả khách hàng của Base. Có một số doanh nghiệp nếu không có công nhân hoặc những người trực tiếp đứng máy làm ra sản phẩm thì các bộ phận khác sẽ bị đình trệ. Tuy nhiên, phải thành thật rằng đôi khi có những tình huống chúng ta không thể tìm ra được một lời giải hoàn hảo”.

“Trong trường hợp này, bản thân lãnh đạo hoặc những người có vai trò dẫn dắt doanh nghiệp phải xác định có thể tối ưu được đến đâu, từ đó đưa ra phương án phù hợp để duy trì hoạt động kinh doanh hoặc hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất có thể. Đây là điều quan trọng", ông Hùng khẳng định.

“Trường hợp thứ hai, khi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra được thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ để tối ưu vận hành. Thực ra 80% các khách hàng của Base đều là các doanh nghiệp sản xuất truyền thống hoặc chưa bao giờ tiếp cận với công nghệ. Nó không khó như mọi người nghĩ. Các doanh nghiệp truyền thống nên bắt đầu từ câu hỏi, chúng ta chọn làm gì đầu tiên trong rất nhiều thứ phải làm để thấy ngay được hiệu quả và giá trị. Những công cụ họ sử dụng phải đủ tiện lợi, dễ dàng để nhân viên được giải phóng sức lao động, thay vì phải vật lộn làm quen với phần mềm hoặc nhập quá nhiều dữ liệu để ra được báo cho các cấp quản lý. Lãnh đạo là người quyết định sẽ làm gì để có được kết quả trong rất nhiều những thứ cần ưu tiên, nhưng chính nhân viên mới là người quyết định chuyển đối số có thành công và hiệu quả hay không”, ông Phạm Kim Hùng nói.