Ngành thuế liên tục có những thay đổi trong những năm qua

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính 2018 (VietnamFinance 2018), ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đánh giá: giữa bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ yêu cầu mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi cơ quan nhà nước cũng phải chuyển động theo. Ngành Thuế cũng đã nhận thức được điều này và đang đặt ra yêu cầu lớn trong việc ứng dụng CNTT vào các khâu của quản lý.

Thực tế hiện nay cho thấy, phạm vi đối tượng quản lý thuế ngày càng rộng. Hiện con số doanh nghiệp đang hoạt động đã tăng gấp rưỡi cho với 5 năm trước đây. Ngoài doanh nghiệp thì những đối tượng khác như cá nhân, người kinh doanh tăng lên ngày một nhiều.

Chính vì vậy lượng thông tin quản lý ngày càng một tăng. Tuy nhiên, tổ chức, bộ máy và biên chế đang phải cắt giảm theo tinh thần tinh gọn bộ máy.

Đây là một trong những thách thức lớn của ngành Thuế đang phải đối mặt. Chính vì vậy, nếu ngành thuế tiếp tục sử dụng cách thức quản lý như truyền thống trước đây thì sẽ không đảm bảo được hiệu quả. Do vậy, cần phải đưa những công nghệ 4.0 mới nhất vào công tác quản lý thuế để đảm bảo được cơ sở dữ liệu lớn và áp dụng cơ chế quản lý rủi ro.

Những dịch vụ thuế điện tử cung cấp cho doanh nghiệp như khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử đã giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế.

Bên cạnh đó, thông tin khai, nộp thuế của doanh nghiệp được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đã giúp công chức thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh công tác hậu kiểm, từ đó giảm thời gian giải quyết hồ sơ (ví dụ như hỗ trợ phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm soát hoàn, phân tích rủi ro…).

Ông Nguyễn Đại Trí chỉ ra những yếu tố cần phải có để ngành Thuế chuyển đổi số. Theo đó, cần phải thay đổi nhận thức của cán hộ lãnh đạo và công chức, nhân viên các bộ phận nghiệp vụ. Bên cạnh đó, phải thay đổi tư duy trong cách thức quản lý; thay đổi quy trình nghiệp vụ. Và cuối cùng là phải tăng cường các ứng dụng CNTT.

Định hướng kế hoạch đến năm 2030, ngành thuế sẽ hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử theo định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính. Đó là phát triển năng lực quản lý thuế đối với doanh nghiệp 4.0; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đo lường, đánh giá mức độ hài lòng của người dân; đào tạo cán bộ thuế nâng cao năng lực ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước mắt, trong giai đoạn 2018-2025, ngành thuế sẽ xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số (bao gồm kế hoạch đến 2030, kế hoạch 5 năm, 10 năm).

Cùng đó, ngành thuế sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số dựa trên kiến trúc Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực thuế.