Đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm Việt không chỉ tập trung làm outsource | Xuất khẩu phần mềm giúp đưa CNTT vươn khỏi

Theo thống kê, trong khoảng 16 năm trở lại đây, doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đã tăng hơn 69 lần và đội ngũ lao động tăng 24 lần (Ảnh minh họa).

Ghi tên Việt Nam vào bản đồ CNTT thế giới

Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập FPT hồi tháng 9 năm ngoái, ông Bùi Quang Ngọc - CEO FPT thời điểm đó đã không giấu niềm tự hào: “FPT đã tiên phong bắc cầu công nghệ Việt Nam ra thế giới để có thể luôn cập nhật với các xu hướng công nghệ tiên tiến. FPT đã dũng cảm bước ra toàn cầu, tiên phong đưa trí tuệ Việt ra thế giới với vai trò là người dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu các phần mềm gắn mác Việt Nam”.

Thời điểm cách đây hơn 20 năm, vào tháng 1/1999, FPT đã thành lập Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) với nhân sự chỉ 13 người để thực hiện sứ mệnh mở đường cho xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Sau gần 2 thập kỷ vươn ra biển lớn, năm 2018 FPT Software đã cán mốc doanh thu gần 400 triệu USD. Đội ngũ nhân sự FPT Sofware đã lên tới 16.000 người, có mặt tại 16 quốc gia phát triển có trình độ CNTT bậc nhất thế giới và doanh nghiệp phần mềm này hiện là đối tác của nhiều khách hàng thuộc danh sách Fortune 500.

Tham gia lĩnh vực xuất khẩu phần mềm từ năm 2006, khi khái niệm gia công và xuất khẩu phần mềm ở Việt Nam còn đang khá mới mẻ, Tinh Vân đã khởi đầu với thị trường Mỹ và sau này là Nhật cùng một số nước khác như Singapore, Đức. Hiện mảng kinh doanh xuất khẩu phần mềm đóng góp khoảng 30% doanh thu của Tinhvan Group và có tỷ trọng lợi nhuận rất cao.

Từ những bước đi đầu tiên đó, đến nay, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, ngành CNTT đang được coi là hạ tầng của hạ tầng, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo số liệu thống kê, thời điểm năm 2003, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam còn rất non trẻ, có tổng doanh thu chỉ xấp xỉ 62 triệu USD với khoảng 5.000 kỹ sư. Những năm qua, ngành đã liên tục phát triển với tốc độ rất nhanh. Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, trong năm 2018, công nghiệp phần mềm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (13,8%) với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD và doanh số xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Ngoài các thị trường truyền thống là Nhật Bản, Bắc Mỹ còn có những thị trường mới nổi như châu Âu, Myanmar… Số doanh nghiệp phần mềm hiện nay khoảng trên 10.000 với lực lượng nhân lực trên 120.000 người. Như vậy, trong khoảng 16 năm trở lại đây, doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đã tăng hơn 69 lần và đội ngũ lao động tăng 24 lần.

Trao đổi với ICTnews, các chuyên gia đều có chung nhận định, xuất khẩu phần mềm Việt Nam đã góp phần quan trọng để thế giới biết đến CNTT nước nhà. CEO Tinhvan Outsourcing Nguyễn Ích Vinh nhấn mạnh: “Kết quả và thành tựu rõ ràng nhất là vị thế của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực phần mềm đã tăng lên đáng kể, trở thành sự lựa chọn đầu tiên của các nước lớn như Nhật hay Mỹ, bên cạnh quốc gia truyển thống là Trung Quốc. Còn với các doanh nghiệp, kết quả càng rõ ở việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn trong nhiều năm”.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình, sau hơn 20 năm, với sự ủng hộ của nhà nước, các bộ ngành và sự nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, Việt Nam đã đạt được ước mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ CNTT thế giới. “Nếu 20 năm trước không ai biết CNTT Việt Nam, thì đến nay Việt Nam đã là đối tác quan trọng trong lĩnh vực CNTT của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Nhiều năm qua, Việt Nam đã được Nhật Bản chọn là điểm đến mong ước của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng ta cũng đã có được một tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng”, ông Bình nói.

Những năm qua, thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới đã có bước tiến đáng kể. Trong đó, ở lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT, theo báo cáo năm 2016 của Tholons – tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên về tư vấn đánh giá xếp hạng về gia công phần mềm, TP.HCM và Hà Nội  đều nằm trong Top 20 của 100 thành phố hấp dẫn hàng đầu về gia công xuất khẩu phần mềm (ITO). Báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công CNTT tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016” của Gartner xếp Việt Nam hạng 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (5 quốc gia còn lại là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Sri Lanca).

Việt Nam cũng đã tiến 5 bậc để xếp vị trí thứ 6 về gia công phần mềm toàn cầu (2017, Global Services Location Index, GSLI) của hãng tư vấn AT Kearney. Theo báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) trong các năm 2016, 2017, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới. Cùng với đó, trong cuộc khảo sát của Resorz Nhật Bản vào năm 2016, Việt Nam được đánh giá là điểm đến gia công CNTT yêu thích nhất của các công ty Nhật Bản.

Đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm không chỉ tập trung làm outsource

Tổng Thư ký VINASA Nguyễn Thị Thu Giang đánh giá, gia công xuất khẩu phần mềm và dịch vụ giúp các doanh nghiệp tích lũy tài chính, kinh nghiệm, xây dựng thương hiệu và  năng lực công nghệ cho những giai đoạn phát triển kế tiếp. “Cũng như Trung Quốc hay Ấn Độ, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần có giai đoạn làm gia công cho các đối tác quốc tế, sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm và có đủ năng lực sẽ có thể  đầu tư phát triển các sản phẩm, giải pháp của đơn vị mình”, bà Giang chia sẻ.

Là doanh nghiệp đã có 13 năm tham gia lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, ông Nguyễn Ích Vinh cũng đồng tình với nhận định trong khoảng 20 năm qua, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn chủ yếu là làm gia công, outsource với giá trị gia tăng thấp, cơ hội phát triển năng lực công nghệ không cao. Tuy nhiên, người đứng đầu Công ty Tinhvan Outsourcing cho rằng, để thay đổi theo hướng tập trung vào năng lực công nghệ cao, sở hữu nhiều sáng chế và bản quyền trí tuệ thì vẫn cần rất nhiều thời gian nữa, cần huy động được khối tư nhân với tiềm lực vốn mạnh.

Trong báo cáo tại Đại hội VINASA nhiệm kỳ IV (2016 - 2020), Hiệp hội này cũng đã đánh giá những hạn chế của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT ở chặng đường trước đó, như: sự thiếu hụt nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng; tuyệt đại đa số các doanh nghiệp có qui mô rất nhỏ nên không có sự tập trung về nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và sức cạnh tranh thấp. Và cũng bởi qui mô nhỏ nên phần lớn các doanh nghiệp không đầu tư được nhiều cho hoạt động R&D nên hầu như không tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo, đột phá có vị trí trên thị trường thế giới...

Báo cáo tổng kết năm 2018 của Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam chính là chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp phần mềm lớn, thiếu các sản phẩm phần mềm áp dụng công nghệ cao có tính đột phá sáng tạo và đặc biệt là nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chưa tham gia sâu vào quá trình thiết kế, phát triển phần mềm mà mới chỉ tham gia vào công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công lập trình phần mềm.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, sau hơn 20 năm phát triển, đã đến lúc phần mềm Việt Nam cần tập trung vào phát triển sản phẩm hoặc làm nhữngcông việc mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chủ yếu làm các dự án outsource như giai đoạn trước.