Cú huých lớn về nhận thức chuyển đổi số

Để duy trì các hoạt động chuyên môn của đơn vị mình, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội do ảnh hưởng dịch bệnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã đẩy mạnh việc ứng dụng các nền tảng công nghệ.

Cụ thể, từ trung tuần tháng 3/2020 đến nay, Học viện đã tổ chức dạy học trực tuyến cho hơn 10.000 sinh viên hệ đại học chính quy của trường thông qua phần mềm TranS. Cùng với đó, các hoạt động điều hành, quản lý của trường vẫn được đảm bảo qua các họp trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Teams.

Theo kế hoạch, từ ngày 18/5 tới, toàn bộ sinh viên của PTIT sẽ trở lại trường, tuy nhiên Học viện vẫn tiếp duy trì hình thức học trực tuyến với một số môn học. Không những thế, trong bối cảnh dịch bệnh, tận dụng thế mạnh của trường công nghệ, thay vì tư vấn tuyển sinh trực tiếp như mọi năm, PTIT đã xây dựng các clip giới thiệu về từng ngành đào tạo của trường, đăng tải trên các kênh trực tuyến của trường.

Cùng với PTIT, giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua đã có buộc nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình làm việc, học tập sang từ tại văn phòng, trường học sang từ xa, tại nhà với sự hỗ trợ của các nền tảng trực tuyến.

Từ thực tế của một doanh nghiệp tham gia cung cấp giải pháp hỗ trợ học tập, làm việc từ xa, ông Trần Thanh Song, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Namviet Telecom cho biết, giải pháp TranS của công ty đã có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, giải pháp này đã tăng từ vài chục ngàn lượt người dùng trong tháng 2/2020 lên trên 2 triệu lượt trong tháng 3/2020 và tiếp tục tăng gấp đôi, lên 4 triệu lượt trong tháng 4/2020. Trong đó, hơn 90% là các đơn vị thuộc khối giáo dục.

Theo ông Song, hiện tại, dù số lượng dùng TranS giảm hơn 50% do nhiều học sinh, sinh viên đã trở lại trường nhưng về cơ bản so với các năm trước thì giải pháp họp trực tuyến, đào tạo từ xa của công ty sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn nhiều.

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước 4 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã mang tới cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia, là “cú huých” để chuyển đổi số. Do vậy, Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Cũng theo Bộ trưởng, khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số chính là sự xuất hiện của các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, nền tảng báo điện tử, nền tảng an toàn an ninh mạng, nền tảng về điện toán đám mây...

Thông tin cụ thể hơn về cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số Việt Nam, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho rằng, thời gian 2 tháng tập trung phòng chống dịch Covid-19 vừa qua có thể coi là cuộc “đại thao diễn thực chiến” cho lĩnh vực CNTT.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành TT&TT đã huy động 16 doanh nghiệp CNTT của Việt Nam, với khoảng 1.000 kỹ sư để tạo ra 22 sản phẩm phần mềm. Trong đó, có những phần mềm được tạo ra trong thời gian ngắn kỷ lục đo bằng giờ: 24 giờ, 48 giờ, 3 ngày và nhiều nhất là 7 ngày. Rất nhiều nội dung của các phần mềm do doanh nghiệp Việt Nam phát triển đã đi kịp cùng với thế giới.

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Lưu Tiến Thành, CEO Công ty Techevo, đồng thời cũng là quản trị viên cộng đồng hỗ trợ làm việc từ xa Vietnam Remote Workforce (VRW) nhận định, dịch Covid-19 đã tạo ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Bởi lẽ, tính chất bắt buộc làm việc từ xa trong thời gian dịch bệnh khiến cho nhiều cá nhân bắt đầu phải tìm đến các nền tảng công nghệ hỗ trợ, dần chuyển hóa thành những khách hàng tiềm năng trong tương lai của các doanh nghiệp công nghệ.

“Các doanh nghiệp công nghệ sẽ dễ dàng thuyết phục khách hàng của mình trong việc ứng dụng công nghệ vào công việc hàng ngày để tránh gặp phải những khó khăn bất ngờ như trong đợt dịch Covid-19 vừa qua”, ông Thành chia sẻ.

Còn theo ông Trần Thanh Song, đại dịch Covid-19 đã tạo cú huých rất lớn về nhận thức. “Quan trọng nhất là khâu nhận thức mà trong lĩnh vực marketing hay gọi là giai đoạn để “educate” thị trường, từ đó chuyển sang hành động. Xét ở góc độ tổng thể của xã hội, tôi cho rằng ở rất nhiều lĩnh vực, dịch Covid-19 đã giúp chúng ta rút ngắn đến cả chục năm cho giai đoạn nhận thức”, ông Song phân tích.

Phát triển các nền tảng công nghệ Việt phục vụ cuộc sống

Nhấn mạnh quan điểm Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, trong phát biểu tại hội nghị giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, do thị trường Việt Nam đủ lớn, đây chính là cơ hội để Make in Việt Nam.

“Mỗi tuần, Bộ TT&TT sẽ tổ chức ra mắt các nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh việc phát triển, làm chủ các nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, chúng ta không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài, bởi các công ty nước ngoài. Chuyển đổi số mà không có nền tảng Việt Nam thì có khi lại mang tới sự nguy hiểm. Do đó, việc làm chủ các nền tảng chuyển đổi số Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng nhất.

Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng, các hãng tư vấn, nghiên cứu đã đưa ra dự báo, có 6 lĩnh vực sẽ thay đổi rất lớn vì cú huých Covid-19, đó là: cách thức mọi người làm việc từ xa; học tập trực tuyến; chăm sóc y tế từ xa; xe tự hành; mua sắm trực tuyến; và sự kiện ảo.

Ông Dũng cũng cho hay, nhận thấy đây là thời cơ cho chuyển đổi số, chúng ta cần phải đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số. Để đẩy nhanh hơn tiến trình này, bắt buộc phải dùng các nền tảng.

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 42.000 cơ sở giáo dục, 14.000 cơ sở y tế, 24 triệu hộ gia đình với thị trường 100 triệu dân. Đây chính là cơ hội cho các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã khai trương, phát động việc sử dụng nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh, nền tảng mã địa chỉ bưu chính. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ ra mắt nền tảng họp trực tuyến do doanh nghiệp Việt Nam phát triển và các nền tảng khác nữa phục vụ cho chuyển đổi số.

“Tuy nhiên, việc ra mắt các nền tảng trên mới chỉ là bắt đầu cho một tiến trình và đây sẽ là một quá trình thường xuyên, liên tục của Bộ và các doanh nghiệp để cùng tận dụng điểm khởi đầu này, làm sao để chúng ta làm tốt hơn, đưa các nền tảng này ứng dụng phục vụ cuộc sống được nhiều hơn”, ông Dũng nói.

Ở góc độ của đơn vị đã xây dựng nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, logistics và dịch vụ công, Phó Tổng giám đốc VietnamPost Lê Quốc Anh cũng cho rằng, việc cho ra mắt nền tảng này mới chỉ là điểm khởi đầu.

"Việc quan trọng nhất trong thời gian tới là làm sao để nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode và nền tảng bản đồ số Vmap đi được vào cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực Chính phủ điện tử cũng như cải cách thủ tục hành chính", ông Quốc Anh cho biết.