Sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chủ trì tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận toàn diện và kịp thời với diễn biến mau lẹ, sâu sắc của cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

“Tại sao đối đầu căng thẳng Mỹ - Trung và Hiệp định EVFTA có hiệu lực lại được VECOM quan tâm? Kết cục ra sao thì còn phải theo dõi nhưng đến nay có thể kết luận rằng cuộc chơi thương mại hiện đại là cuộc chơi dính dáng đến công nghệ.”Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ với báo giới tại buổi họp báo công bố sự kiện diễn ra chiều 11/7 ở Hà Nội.

“Thông tin muốn chuyển tải tại Diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU” là trong bối cảnh phức tạp của địa chính trị, địa kinh tế toàn cầu, chúng ta phải hết sức chủ động để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để có thể chủ động cân đối, lèo lái qua mọi khủng hoảng, thẳng tiến lên phía trước, thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế - thương mại, đặc biệt là xuất khẩu thông qua kênh trực tuyến”, Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh

Toàn cảnh buổi họp báo công bố Diễn đàn do VECOM tổ chức tại Hà Nội chiều 11/7.

Lãnh đạo VECOM lưu ý thêm, Hiệp định EVFTA vừa được ký kết ngày 30/6/2019 ghi nhận thương mại điện tử làm gia tăng cơ hội thương mại trong nhiều lĩnh vực, sẽ thúc đẩy phát triển của thương mại điện tử.

Trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường, bao gồm những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng.

Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Tấn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FADO khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng khai thác các lợi thế từ tranh chấp thương mại bằng xuất khẩu trực tuyến.

Cụ thể, hai chính phủ Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tăng cường áp mức thuế cao cho hàng nhập khẩu của nhau. Các nhà nhập khẩu Mỹ - Trung phải đi tìm nguồn cung thay thế từ những nước không bị ảnh hưởng bởi đối đầu thương mại, không bị chính phủ 2 nước áp thuế.

“Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam là thứ tự ưu tiên hàng đầu để Trung Quốc và Mỹ tìm nguồn cung thay thế. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm các mặt hàng điện tử, dệt may, đồ gỗ nội thất.... Còn phía Trung Quốc sẽ tìm nguồn cung lúa mì, đậu nành... Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường khả năng tiếp thị sản phẩm của mình tới hai thị trường này. Nếu các nhà nhập khẩu Mỹ và Trung Quốc không tìm thấy hàng Việt Nam thì cơ hội sẽ rơi vào các sản phẩm của Chile hoặc Malaysia hoặc các nước khác”, CEO FADO phân tích.

Cũng theo ông Phạm Tấn Đạt, thương mại điện tử xuyên biên giới chính là kênh hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nhà nhập khẩu, thị trường thế giới. Thông qua các kênh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến như các sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba..., các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng phạm vi tiếp cận khách hàng, có thể lựa chọn được thị trường/đối tác xuất khẩu trực tiếp, không qua trung gian, và giảm thiểu nguy cơ bị “dìm” giá sản phẩm.

Nhấn mạnh rằng trong thời đại bùng nổ thương mại điện tử, doanh nghiệp hoặc thậm chí cả hộ sản xuất nhỏ lẻ chỉ cần nắm bắt công nghệ cũng có thể bán được hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới với giá cao, ông Nguyễn Minh Đức, CEO IM Group nêu dẫn chứng: Tanisa Salt - một doanh nghiệp bán muối tôm trước đây đạt doanh thu 200 triệu đồng/tháng, sau khi triển khai bán muối tôm và bánh tráng Tây Ninh trên nền tảng thương mại điện tử Amazon thì thu tới 5 – 6 tỷ đồng/tháng. Sau khi có phản hồi tích cực từ khách hàng Mỹ, nhiều nhà kinh doanh trong nước cũng tìm đến Tanasi.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn thành công nhờ xuất khẩu trực tuyến có thể đến với Diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU” để học hỏi kinh nghiệm qua các tham luận cũng như qua trải nghiệm trực tiếp các gian hàng về sản phẩm xuất nhập khẩu, công nghệ, thương mại điện tử...

Một điểm đặc biệt là bên lề các phiên họp chính của Diễn đàn, VECOM sẽ phối hợp với các đối tác triển khai công tác hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp muốn làm xuất khẩu trực tuyến, từ việc tư vấn, đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần có khi muốn xuất khẩu trực tuyến, đến việc hỗ trợ các giải pháp về hậu cần, logistic... để doanh nghiệp có thể tập trung sản xuất sản phẩm, hàng hóa “made in Vietnam” có giá trị thặng dư lớn hơn.