Đại dịch rồi cũng phải dừng bước. Con người ta lại trở về với cuộc sống quen thuộc đời thường trước đây, nhưng trở về với thêm những trải nghiêm mới, tốt có, xấu có, để rồi nếu lại gặp tai ương kiểu gì đó trong tương lai thì từng cá thể người sẽ hành xử tốt hơn, sẽ “người hơn“ trong đại nạn.

Hoàn cảnh thay đổi buộc con người ta phải thay đổi sao?

Con người là một vật thể sống kỳ lạ. Ào ào đi mua đồ tích trữ. Làm sao mà không lo lấy gì mà ăn, lấy gì mà dùng nếu cả khu vực mình đang sống bị cách li theo kiểu nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cứ xem cảnh Vũ Hán mà lo dần đi là vừa. Hãy tự vấn xem trong chúng ta có bao người không mua tý nào đồ dự trữ?

Đối diện sống chết, trong đại nạn hãy 'người' hơn
Các kệ trống rỗng tại siêu thị ở thành phố Palermo, Italy. Ảnh: EPA

Mặc những lời tư vấn, cam kết không thiếu thực phẩm, không thiếu đồ dùng thiết yếu từ phía chính quyền, từ các siêu thị, rất nhiều người vẫn đổ xô đi mua đồ dự trữ, mua tích trữ đến mức không bình thường. Nhìn cảnh xếp hàng đi siêu thị ở Úc, nhìn các kệ hàng trống rỗng trong siêu thị các nước như Ý, Tây Ban nha, Đức...và xem dân ta đi mua đồ tích trữ mấy ngày đầu hoảng sợ mới thấy bản chất tự nhiên con người ta lúc này lộ ra mồn một. 

Động đất, sóng thần, bão lũ, hạn hán…và nhiều tai ương khác con người đều đã trải qua. Nhưng xét về quy mô và sự nguy hiểm thì những cái đó không thể so với Covid-19 lần này. Tai ương này xuyên biên giới, bao phủ gần như toàn cầu. Mỗi sáng thức dậy là vào mạng xem ngày qua thêm bao ca dương tính, bao ca tử vong trên toàn thế giới.

Và trong lúc các nhà lãnh đạo từng nước đang cân nhắc các biện pháp đối phó thì từng gia đình, từng cá nhân phải tự lo bảo vệ.

Mà cũng lạ cho thế giới của chúng ta. Khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu thì G7, rồi G20 họp khẩn bàn biện pháp đối phó. Giá dầu có vấn đề thì OPEC họp… Covid-19 là đại dịch toàn cầu thì chưa thấy cuộc họp nào có ý nghĩa. Mỗi nước hành xử theo một kiểu.

Sự kỳ thị - đừng quá ngạc nhiên?

Trong bối cảnh như vậy, từng cá nhân cũng hành xử theo kiểu của riêng mình. Mua đồ dự trữ, nhanh chóng thoát ra khỏi vùng dịch. Cần thì nói dối, thậm chí lừa đảo cũng thực hiện. Không cung cấp thông tin đúng về lộ trình mình đi qua, những ai mình đã tiếp xúc. Không thực hiện cách ly theo quy định.

Đối với một bộ phận người thì khẩu hiệu lúc này chính là “Mình là trên hết “. Nước nào cũng có những người như vậy.

Cũng đừng quá ngạc nhiên khi sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc lúc này lại có đất phát triển hơn, khi có những người tranh thủ cơ hội kiếm tiền từ buôn bán khẩu trang, nước sát khuẩn rửa tay, găng tay…

Ác độc hơn, có người còn tung tin giả gây hoang mang dư luận. Cũng chưa có ai thống kê đầy đủ có bao nhiêu loại hành vi xấu kiểu này đã được thực hiện ở các nước trong đại dịch này.

Đối diện sống chết, trong đại nạn hãy 'người' hơn
Vị phụ huynh may 10.000 khẩu trang tặng miễn phí cho mọi người

Nhưng cũng may mắn thay trong hoạn nạn đại dịch cũng có những con người không như vậy. Đó là những con người bình dị ở ta đứng ra phát khẩu trang miễn phí cho người qua đường. Đó là những xuất cơm được nấu để cung cấp miễn phí cho tòa nhà chung cư bị phong tỏa cách ly. Đó là những chị em phụ nữ ở đâu đó hết giờ làm việc ngồi rốn lại may khẩu trang với tâm niệm thêm cái nào là tốt cái đó cho xã hội.

Tình người trong hoạn nạn

Nhìn hình ảnh đội ngũ nhân viên y tế nước ta chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh, đội ngũ giám sát khu vực cách ly mới thấy những nghĩa cử cao đẹp đầy tình người trong hoạn nạn.

Đối diện sống chết, trong đại nạn hãy 'người' hơn
Tấm thiệp của chiến dịch "Lòng tốt lan toả" tại Anh

Chuỗi siêu thị Woolworth bên Úc lo cho nhóm người cao tuổi khó đi chợ, khó  mua đồ nên đã cử nhân viên mang đồ đến bán cho những đối tượng này, thậm chí mới đây còn quyết định mở cửa bán hàng từ 7-9 giờ chỉ dành riêng cho người cao tuổi.

Bên Anh đã có những nhóm tự nguyện được lập ra để hỗ trợ người cao tuổi trong mua bán, chăm sóc y tế. Lúc hoạn nạn thấy chân tình. 

Đối diện sống chết, trong đại nạn hãy 'người' hơn
Người Italy đàn hát trên ban công xua tan nỗi sợ hãi và động viên tinh thần chiến đấu với dịch Covid-19

Cảm động biết bao khi xem người dân Ý, Tây Ban Nha dùng đủ các loại “nhạc cụ“ tự nghĩ ra như nồi, xoong chảo, thìa, dĩa…đứng trên ban công nhà mình tạo ra thứ âm nhạc độc đáo để cổ vũ nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn, để cám ơn đội ngũ nhân viên y tế về sự chăm sóc của họ cho xã hội. Đây quả là những hình ảnh đẹp sẽ đọng lại mãi....

Và còn có gì ý nghĩa hơn, cổ vũ nhau hơn, mang con người ta lại gần nhau hơn là khúc nhạc và điệu nhảy Ghen Covi trong cơn hoạn nạn toàn cầu này.

Sau này, khi đại dịch qua đi, lúc đó mới có cơ hội nghiền ngẫm vì sao lúc đó mình lại thế, mọi người lại thế nhỉ?