Các Sở TT&TT hãy là hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số tại địa phương

Ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các Sở TT&TT tỉnh, thành phố về chủ đề “Nâng cao năng lực quản lý và thực thi triển khai chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng tại địa phương”.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng là hai mặt của một xu hướng phát triển tất yếu.

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, Thứ trưởng cho hay: Chuyển đổi số là chủ trương lớn, được nhắc đến 22 lần trong Văn kiện Đại hội XIII, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Đất nước.

Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, ứng dụng CNTT. Trước đây, khi làm tin học hóa, làm ứng dụng CNTT, tư duy của chúng ta chủ yếu chỉ giới hạn trong các cơ quan nhà nước. “Giờ đây, các Sở TT&TT hãy là hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số tại địa phương mình, không chỉ giới hạn trong cơ quan nhà nước, mà rộng ra cả doanh nghiệp và xã hội”, Thứ trưởng đề nghị.

Chuyển đổi số tại địa phương gồm 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tin học hóa là tối ưu quy trình đã có. Chuyển đổi số không chỉ là tối ưu quy trình đã có mà còn là thay đổi quy trình đã có, thay đổi mô hình đã có bằng quy trình mới, mô hình mới.

Thứ trưởng cũng lưu ý, ở Trung ương, Bộ TT&TT là cơ quan điều phối quốc gia, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã được bổ sung chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đô thị thông minh. Vì vậy, ở địa phương, Sở TT&TT chủ động tham mưu cho tỉnh để triển khai một cách tương ứng.

Thay đổi tư duy về bảo đảm an toàn thông tin mạng

Trao đổi với các Sở TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ, chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng là hai mặt của một xu hướng phát triển tất yếu. Yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi nhanh, bền vững, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh mạng. “An toàn, an ninh mạng là cái phanh, không phải để dừng cái xe chuyển đổi số lại mà là để giúp người lái xe yên tâm nhấn ga đi nhanh hơn”, Thứ trưởng phân tích.

An toàn, an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng. Thông thường, chúng ta chỉ cảm nhận được tầm quan trọng sau khi xảy ra sự cố, nhưng lúc đó thì đã muộn.

Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan, đơn vị hãy xác định đâu là những hệ thống thông tin phải tuyệt đối bảo đảm an toàn, an ninh mạng bằng mọi giá, đâu là những hệ thống thông tin mà chúng ta bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo hình thức quản trị rủi ro.

Các Sở TT&TT cũng được đề nghị cùng Bộ thuyết phục các cấp lãnh đạo cho phép thay đổi tư duy: Thay vì coi bị tấn công là kém, bị tấn công là tội thì coi rằng bị tấn công và phát hiện sớm là tốt, bị tấn công và kịp thời khắc phục sự cố là tốt, bị tấn công và kịp thời rút kinh nghiệm để chia sẻ, cảnh báo cho người khác không bị tấn công một cách tương tự là tốt.

Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là 3 lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở Trung ương. Do đó ở địa phương, Sở TT&TT cần chủ động tham mưu cho tỉnh để triển khai một cách tương ứng.

Các Cục Tin học hóa, An toàn thông tin coi việc của Sở là việc của mình

Cùng với việc thống nhất nhận thức về chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng, tại hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng nêu rõ các nhóm hành động cần tập trung triển khai.

{keywords}
Theo Thứ trưởng, sự phối hợp hai chiều giữa những cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT và Sở sẽ gián tiếp bổ sung thêm nhân lực cho các đơn vị.

Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu 2 Cục Tin học hóa, An toàn thông tin phối hợp chặt chẽ, với mỗi Sở TT&TT, mỗi Cục cử 1 cán bộ lãnh đạo, 1 cán bộ có năng lực theo dõi, đồng hành cùng Sở, coi việc của Sở là việc của mình. Khi có việc gì thì họp trực tuyến ngay. Họp trực tuyến không giải quyết được thì về tận Sở, ở lại Sở, giải quyết xong vấn đề mới rút đi.

Với cách làm trên, ngay lập tức, mỗi Sở TT&TT được tăng cường 4 cán bộ gồm 2 Lãnh đạo cấp Cục và 2 cán bộ chuyên môn cứng từ các Cục Tin học hóa, An toàn thông tin. Sự phối hợp hai chiều giữa những cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT và Sở sẽ gián tiếp bổ sung thêm nhân lực cho các đơn vị.

Để giải quyết lực lượng, tổ chức, bộ máy của Sở TT&TT có thể còn hạn chế, trong khi nhiệm vụ, trọng trách nhiều, Thứ trưởng khẳng định: Chúng ta buộc phải có giải pháp mới, giải pháp đột phá.

Cụ thể, ngành TT&TT có thế mạnh là có lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, có đến 60.000 doanh nghiệp công nghệ số trên toàn quốc. Vì vậy, chúng ta hãy huy động các doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết vấn đề của quốc gia và địa phương.

“Đây cũng chính là tinh thần của chuyển đổi số. Các Sở hãy huy động nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia giải quyết vấn đề của địa phương. Ví dụ, doanh nghiệp viễn thông tỉnh sẵn sàng, doanh nghiệp bưu chính tỉnh sẵn sàng, doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số sẵn sàng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chỉ rõ Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia là một công cụ mạnh, Thứ trưởng gợi ý: Các Sở TT&TT có thể thiết lập Mạng lưới chuyển đổi số và ứng cứu sự cố của tỉnh. Trong đó, huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia giải quyết những vấn đề của tỉnh, dưới sự điều phối chung của Sở TT&TT.

Vân Anh

“An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử”

“An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử”

ictnews Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT xác định rõ điều kiện đầu tiên, tiên quyết trong phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử là đảm bảo an toàn, an ninh mạng.