Nhiều dữ liệu cá nhân chưa được tôn trọng và bảo mật

{keywords}
Ông Lê Hồng Minh chia sẻ ý kiến tại sự kiện Internet Day 2020 

Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam (Internet day 2020) do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức hôm nay (16/12), Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh đã tiết lộ, trong gần 10 năm trở lại đây không điền các thông tin dữ liệu cá nhân trên một số hệ thống, sau khi số điện thoại và một số thông tin cá nhân bị công khai trên mạng.

“Ở Việt Nam hiện tại dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân là không được tôn trọng và không được bảo mật", lãnh đạo VNG cho biết.

Ông Lê Hồng Minh cho rằng, đa số tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều người không thực sự hiểu rằng, tất cả các dữ liệu quan trọng của mình đang được các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng dữ liệu của mình với mục đích gì.

Phân tích của lãnh đạo VNG cho thấy, dữ liệu hiện nay có vai trò vô cùng quan trọng. Khối lượng dữ liệu khổng lồ được con người tạo ra mỗi ngày, nhưng vấn đề quan trọng nhất là việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu mới có thể tạo ra giá trị.

“Theo thống kê chỉ 1% dữ liệu được xử lý để mang lại giá trị. Phần lớn, các dữ liệu này được xử lý bởi các công ty công nghệ đa quốc gia”, ông Minh nói.

Từ nhận định này, ông Minh cho rằng, để nền kinh tế số phát triển thì việc cơ bản đầu tiên đó là người dùng phải tin tưởng dữ liệu của mình được tôn trọng. “Sự tôn trọng dữ liệu phải là tiền đề đầu tiên, bởi nếu không có sự tôn trọng và tin tưởng thì nền kinh tế dữ liệu không thể phát triển được”. Do đó, theo ông, cần thiết phải đưa ra quy định riêng về bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu cho Việt Nam, bởi dù đã có một số quy định liên quan nhưng chưa thực sự được đề cao để có thể thúc đẩy nền kinh tế số.

“Người dùng có quyền biết dữ liệu của mình đang được các đơn vị tổ chức nước ngoài và trong nước sử dụng như thế nào. Quyền dữ liệu cần được tôn trọng. Người dùng cần được biết, ai đang thu thập dữ liệu của mình và mục đích thu thập để làm gì. Có quyền đồng ý và không đồng ý sử dụng dữ liệu đó”, vị này nói.

Đẩy nhanh xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia để chuyển đổi số

Dữ liệu được xem là tài nguyên quý giá và là nền tảng cho chuyển đổi số. Đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chia sẻ, kết nối liên thông các hệ thống thông tin được xem là vấn đề quan trọng hiện nay.

Theo ông Hà Thái Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho biết, doanh nghiệp này xác định 4 mục tiêu khi đồng hành trong công cuộc chuyển đổi chính quyền số, đó là việc kết nối với người dân, nâng cao năng suất của đội ngũ cán bộ nhà nước.

Ngoài đề xuất tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, cơ chế chính sách để tiếp tục đẩy mạnh, điều chỉnh chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù địa phương, Chính phủ và bộ ngành cần có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia. "Có cơ sở dữ liệu quốc gia chúng ta mới có nền tảng để chia sẻ và đẩy nhanh chuyển đổi số", ông Hà Thái Bảo cho biết.

Về vấn đề dữ liệu, ông Lê Hồng Minh cho rằng, khi đã có sự tin tưởng dữ liệu, sự phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam là vấn đề quan trọng. Theo đánh giá của ông Lê Hồng Minh "Những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn đang nằm trong các dự án của các cơ quan Nhà nước và các đơn vị riêng biệt, chẳng hạn việc như việc định danh số". Đây là lý do Chính phủ cần thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam trao đổi dữ liệu với nhau thông qua nền tảng do chính phủ xây dựng.

Về phía mình, ông Hà Thái Bảo cho rằng, các cơ quan quản lý cũng cần tạo ra thêm cơ chế thử nghiệm dịch vụ sandbox để hỗ trợ các doanh nghiệp, bởi cuộc CMCN 4.0 có nhiều lĩnh vực mới và sẽ vướng rào cản pháp lý. 

Duy Vũ

Internet - công cụ hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số Việt Nam

Internet - công cụ hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số Việt Nam

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn sau 20 năm mở cửa đón Internet. Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, giờ là lúc đưa những dấu chân số Việt Nam đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu.