Đại diện cho Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo lấy ý kiến thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VCCI tổ chức vào 10/5/2019 tại Hà Nội, đại diện Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đóng góp ý kiến với vai trò là đơn vị chấp nhận thanh toán tiền qua ví điện tử. Theo đại diện của Công ty này, ngành đường sắt đã triển khai bán vé tàu online và liên kết với các đơn vị thu hộ tiền là các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán.

Tính đến nay kênh bán vé tàu online đã liên kết với 8 đơn vị thu hộ là ví điện tử. Số lượng các giao dịch mua vé thanh toán qua ví điện tử tăng khá nhanh, quý I/2018 là 10% trên tổng số giao dịch thì đến quý 1/2019 tăng lên 20%, do tính thuận tiện của kênh thanh toán ví điện tử nên dự báo sắp tới khách mua vé tàu dùng thanh toán qua ví điện tử sẽ tăng gấp đôi. Do đó, đại diện Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đề nghị NHNN xem xét lại hạn mức chỉ được giao dịch tối đa một ngày 20 triệu đồng đối với ví điện tử.

Bởi theo vị đại diện này, nếu một cá nhân đặt vé cho 1 nhóm người, hoặc cả gia đình họ tầm 10 -15 người thì hạn mức này không đủ để họ thanh toán. Mà do đặc điểm khi đặt vé tàu nếu họ đã chọn hình thức thanh toán là ví điện tử rồi, nếu không được thanh toán thì họ phải bỏ qua hình thức thanh toán đó và quay trở lại đặt vé từ đầu mới chọn được hình thức thanh toán khác, như vậy sẽ bất tiện cho khách hàng. Đại diện đơn vị đường sắt đề xuất, NHNN một là tăng hạn mức giao dịch 1 ngày lên hai là bỏ qua giới hạn mức theo ngày mà chỉ nên quy định giới hạn giao dịch theo tháng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 8 tỷ USD vào năm 2018, mặc dù tốc độ tăng trưởng lên đến 30%, nhưng thực tế thị trường thương mại điện tử ở ta vẫn còn rất nhỏ bé. Tuy số lượng giao dịch thương mại điện tử tăng mạnh, nhưng chủ yếu vẫn là thanh toán bằng tiền mặt, giao hàng mới nhận tiền (COD), thanh toán điện tử chỉ chiếm 25%.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, thị trường thương mại điện tử phát triển chậm trong đó có một nguyên nhân là chưa có thanh toán trực tuyến nhiều, thanh toán trực tuyến trở thành một vấn đề lớn nhất trong thương mại điện tử. Dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử trong vài năm tới vẫn sẽ đạt mức 30% mỗi năm, nhưng đó mới là dự báo còn đạt được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thanh toán trực tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hưng, về giới hạn ví điện tử cá nhân chỉ được giao dịch tối đa 100 triệu đồng 1 tháng rất thoải đáng với điều kiện hiện nay. Nhưng một vài năm tới khi nhu cầu giao dịch tăng mạnh thì sẽ không phù hợp. Ví dụ, các công ty du lịch trực tuyến đang có đà phát triển rất nhanh, số lượng khách đặt mua tour qua mạng ngày càng nhiều, nếu một người mua 4 suất du lịch nước ngoài cho gia đình họ thì giao dịch hơn 100 triệu đồng là bình thường. Do vậy nếu đặt ra hạn mức chỉ được tiêu qua ví 100 triệu đồng/tháng như vậy là cản trở giao dịch trực tuyến, do vậy nên cân nhắc để luật thông thoáng có độ mở cao hơn.

Tính đến năm 2018 cả nước có 27 đơn vị trung gian thanh toán, năm 2019 tăng lên có 29 đơn vị. Nói về đóng góp của ví điện tử vào thị trường thanh toán điện tử, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN nhấn mạnh: “Kỳ vọng vào ví thì rất lớn, nhưng thực tế ví đóng góp chưa được bao nhiêu. Cụ thể các chỉ số giao dịch qua ví điện tử còn rất thấp. Số dư bình quân trên ví chỉ trên dưới 100.000 đồng. Doanh nghiệp hoạt động ví lớn nhất cả năm có khoảng 60 triệu giao dịch, giá trị giao dịch bình quân lớn nhất 5 triệu đồng. Cá biệt có công ty rất lớn nhưng mức giao dịch bình quân của ví rất thấp chỉ xoay quanh 200.000 đồng, thực tế trong 5 năm qua thì giao dịch ví chiếm tỷ trọng rất nhỏ”.

Cũng theo ông Dũng, tất cả các đề xuất trong dự thảo thông tư sửa đổi đều căn cứ trên hoạt động thực tiễn của ví điện tử và phù hợp với yêu cầu của thị trường. “Mức giới hạn cá nhân giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng mọi người không nên quá lo lắng, bởi số liệu bình quân chỉ có 5 triệu đồng, rất hiếm có người nào giao dịch qua ví 100 triệu đồng”, ông Dũng nói.

Việc giới hạn giao dịch 100 triệu đồng cũng nhằm tránh những trường hợp mua bán kinh doanh rồi sử dụng ví điện tử để che giấu mục đích khác. Nguyên tắc hoạt động của ví điện tử là số tiền giao dịch luôn luôn phải được ngân hàng đảm bảo, tiền ở ví điện tử là tiền của dân. Giả sử doanh nghiệp ví điện tử đóng cửa hoặc thua lỗ, số tiền của dân vẫn luôn được đảm bảo.