Theo sau động thái của Pinterest, Facebook cũng vừa áp dụng một sáng kiến ​​mới nhằm chống lại thông tin sai lệch về vắc-xin trên nền tảng của mình. Bây giờ, bất cứ khi nào người dùng tìm kiếm nội dung liên quan đến vắc-xin, Facebook sẽ hiển thị một cửa sổ nhắc nhở họ truy vấn thông tin từ nguồn đáng tin cậy.

Tại Hoa Kỳ, thông báo sẽ hướng mọi người đến trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Ở những nơi khác trên thế giới, những thông báo tương tự sẽ dẫn người dùng về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sau Facebook, Instagram cũng sẽ áp dụng chính sách này.

Facebook áp dụng tính năng mới giúp người dùng tránh phơi nhiễm thông tin chống vắc-xin - Ảnh 1.

Facebook áp dụng tính năng mới giúp người dùng tránh "phơi nhiễm" với thông tin chống vắc-xin

Facebook: Ổ chống vắc-xin lớn nhất trên internet

Phong trào chống vắc-xin đang đi từ chỗ tự phát lẻ tẻ chuyển sang chuyên nghiệp hóa. Và mặt trận mà những người "anti-vax" lựa chọn chính là Facebook. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy cứ 2 bậc phụ huynh có con nhỏ thì sẽ có một người "phơi nhiễm" với thông tin chống vắc-xin trên mạng xã hội.

Đáng lo ngại hơn, có vẻ như không ngẫu nhiên mà điều đó xảy ra.

Tại Mỹ, trang Daily Beast đã làm một khảo sát cho thấy ít nhất 150 quảng cáo Facebook có nội dung chống vắc-xin được mua trong vòng 1 tháng. Chúng thường được cài đặt để nhắm đến đối tượng là những phụ nữ trên 25 tuổi. Đây là nhóm người nhiều khả năng đang có con nhỏ.

Một số quảng cáo được tích vào lựa chọn nhóm người "quan tâm đến mang thai", nghĩa là ai đó đang có chủ ý muốn những bà mẹ tương lai đọc được thông tin chống vắc-xin. Theo Daily Beast các quảng cáo này đã được xem ít nhất 1,6 triệu lượt.

Tháng Ba vừa rồi, Alexis Madrigal, một biên tập viên sức khỏe của trang Atlantic cũng làm một khảo sát tương tự để thấy Facebook đang trở thành một ổ dịch "anti-vax" như thế nào.

Anh đã sử dụng công cụ giám sát web CrowdTangle để phân tích các bài đăng phổ biến nhất trên Facebook, chứa cụm từ "vắc-xin" từ năm 2016 đến năm 2019.

Kết quả chỉ ra đa phần chúng đều đến từ một số lượng rất ít các trang cá nhân và fanpage. Tới 46% trong số 10.000 bài đăng về vắc-xin có nguồn gốc từ 50 trang Facebook hàng đầu. Và chỉ 7 trang trong số đó đã sản xuất tới 20% lượng nội dung chống vắc-xin trong 10.000 bài dễ tìm thấy nhất.

Facebook áp dụng tính năng mới giúp người dùng tránh phơi nhiễm thông tin chống vắc-xin - Ảnh 2.

Tại Mỹ, ít nhất 150 quảng cáo Facebook có nội dung chống vắc-xin được mua mỗi tháng.

Các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm

Từ tháng 3 năm 2019, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đã đề nghị các công ty công nghệ và truyền thông xã hội lớn, bao gồm Amazon, Facebook và Google, tham gia ngăn chặn phong trào chống vắc-xin và sự truyền bá thông tin sai lệch về tiêm chủng trên nền tảng của họ.

AMA là mạng lưới các bác sĩ lớn nhất ở Mỹ gồm số lượng cực lớn các chuyên gia đầu ngành về y tế và khoa học sức khỏe. Họ đã gửi một bức thư tới CEO của Amazon, Facebook, Google, Pinterest, Twitter và YouTube, biểu lộ sự lo ngại về những tin nhắn và quảng cáo chống vắc-xin nhắm vào phụ huynh có con nhỏ.

Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ nhấn mạnh điều này đặc biệt rắc rối vào thời điểm các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, như bệnh sởi đang quay lại tấn công nước Mỹ, gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Thông tin sai lệch liên quan đến sức khỏe được tìm thấy trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, có thể làm suy yếu khoa học khiến các bậc cha mẹ quyết định không tiêm vắc-xin cho con cái họ, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết. Điều này là nguồn gốc gây ra những dịch bệnh lẽ ra có thể phòng ngừa được.

"Sức khỏe cộng đồng là một chủ đề cấp bách khi phương tiện truyền thông xã hội trở thành nguồn thông tin hàng đầu cho người dân Mỹ, chúng tôi khuyến nghị các ngài nên làm tròn trách nhiệm của mình để đảm bảo rằng người dùng có quyền truy cập vào thông tin có giá trị khoa học về tiêm chủng, để họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe của gia đình mình", Giám đốc điều hành AMA, Tiến sĩ James Madara viết trong thư.

Facebook áp dụng tính năng mới giúp người dùng tránh phơi nhiễm thông tin chống vắc-xin - Ảnh 3.

Trong số ba nền tảng truyền thông xã hội lớn, Facebook cũng là nền tảng cuối cùng bắt đầu hướng người dùng đến thông tin đáng tin cậy hơn về vắc-xin.

Đáp lại, mạng xã hội Facebook cho biết họ đã tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch về vắc-xin trên nền tảng của mình, bao gồm cả Facebook và Instagram.

Monika Bickert - phó chủ tịch Quản lý chính sách toàn cầu của Facebook – nói mạng xã hội này sẽ không còn cho phép quảng cáo hoặc đề xuất những thông điệp chống vắc-xin, và họ sẽ can thiệp để những thông tin này ít nổi bật hơn trong kết quả tìm kiếm.

Sáng kiến định hướng thông tin mới được đưa ra và áp dụng trong bối cảnh số người mắc bệnh sởi ở Mỹ đã tăng lên hơn 1.200 trường hợp kể từ đầu năm, một kỷ lục chưa từng có kể từ năm 1992.

Đó là hậu quả của phong trào chống vắc-xin, đã khiến các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa quay trở lại tấn công nước Mỹ. Mạng xã hội, các hội nhóm và bài viết, nội dung sai sự thật về vắc-xin phải chịu trách nhiệm một phần về thực trạng này.

Bây giờ, với các cửa sổ gợi ý về nguồn thông tin chính thống về vắc-xin, Facebook đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn làn sóng anti-vax nguy hiểm trên nền tảng của mình.

Nhưng có vẻ nó vẫn chưa triệt để. Các cửa sổ xuất hiện không ngăn chặn hoàn toàn mọi người xem nội dung chống vắc-xin. Một ảnh chụp màn hình mà Facbook chia sẻ với CNN cho thấy, ít nhất trên Instagram, các cá nhân vẫn được tùy chọn xem tiếp nội dung những người dùng khác đã đăng bằng cách sử dụng hashtag liên quan đến vắc-xin.

Điều này khác với cách tiếp cận được công bố gần đây của Pinterest, trong đó công ty cho biết họ sẽ chỉ hiển thị thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như WHO. Ngoài ra, không giống như Pinterest, có vẻ như Facebook đã không làm việc với CDC và WHO để tạo ra những nội dung trực tiếp, đáng tin cậy trên nền tảng của mình.

Trong số ba nền tảng truyền thông xã hội lớn, Facebook cũng là nền tảng cuối cùng bắt đầu hướng người dùng đến thông tin đáng tin cậy hơn về vắc-xin. Trước đó, Twitter cũng đã có động thái tương tự.

Tham khảo Engadget