Tại buổi họp báo sau lễ phát động chương trình “Thinh Before You Share” (Hãy suy nghĩ trước khi chia sẻ) diễn ra tại Hà Nội vào ngày 5/6/2018, bà Clair Deevy, Giám đốc mảng Cộng đồng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook cho biết, cộng đồng sử dụng Facebook Việt Nam là một trong những cộng đồng năng động nhất trên thế giới. Facebook muốn trao quyền để hỗ trợ người dùng sử dụng Facebook hiệu quả hơn và hỗ trợ người dùng an toàn trong môi trường mạng, Facebook luôn mong muốn tạo ra môi trường an toàn cho cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam, cho các thanh thiếu niên Việt Nam. Để tạo được môi trường cộng tác và an toàn phải có sự tham gia của các bên, nhà trường, gia đình, cá nhân, cơ quan nhà nước.

Facebook là công cụ tạo ra cuộc sống tích cực và tốt đẹp hơn cho mọi người, tuy nhiên người dùng Facebook, nhất là giới trẻ và học sinh sinh viên phải có kỹ năng cần thiết khi tham gia Facebook, tạo ra môi trường an toàn cho bản thân và người khác.

Trước câu hỏi của ICTnews về việc, hiện nay trên Facebook có rất nhiều các thông tin có nội dung độc hại như hình ảnh bạo lực, sex, tin tức giả mạo, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới giới trẻ. Theo chính sách của Facebook, trẻ em từ 13 tuổi là có quyền sử dụng Facebook, nhưng những chính sách, công cụ của Facebook lại chưa đủ mạnh để ngăn chặn thông tin độc hại với trẻ em. Vậy Facebook có những biện pháp kỹ thuật nào để hạn chế thông tin độc hại tiếp cận tới trẻ em.

Bà Clair Deevy  cho hay, theo chính sách của Facebook, Facebook không chấp nhận những phát ngôn, thông điệp thù địch, những nội dung có tính bắt nạt và tấn công người khác trên môi trường mạng. Gần đây Facebook đã đưa ra chuẩn mực cộng đồng quy định rất rõ cái gì được phép, cái gì không được phép, Facebook cố gắng để có các hoạt động rất tường minh để bảo vệ môi trường Facebook.

Facebook cũng có chính sách cho người dùng báo cáo khi các trường hợp trẻ em là học sinh, sinh viên bị bắt nạt, Facebook sẽ đào tạo cho học sinh, sinh viên cách báo cáo khi các em  bị bắt nạt và gây rối trên môi trường mạng. Đối với trường hợp giả thông tin những người nổi tiếng, Facebook có cơ chế báo cáo về trường hợp giả tài khoản, đăng thông tin sai lệch.  

Bà Clair Deevy  cũng thừa nhận, việc phân biệt tốt xấu thì con người khó xử lý triệt để được, các biện pháp công nghệ là hoàn toàn không đủ, do đó Facebook đã phối hợp với các bên liên quan để tạo ra các chính sách an toàn hơn cho người dùng, cũng như Facebook sẽ mở rộng để thực hiện các chương trình như Think Before You Share, đây là một chương trình đào tạo giới trẻ để trước khi chia sẻ có sự cân nhắc ra sao. Cần đào tạo để người dùng phân biệt được đâu là đúng sai, nâng cao khả năng thấu cảm của người dùng, người dùng sẽ suy nghĩ khi like hay share thì sẽ ảnh hưởng thế nào tới người thân của chúng ta.

Ngày 5/6/2018, Facebook đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoạt động vì quyền lợi của các nhóm cộng đồng bị lề hóa, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, chính thức ra mắt chương trình giáo dục an toàn trên mạng - Think Before You Share (Suy nghĩ trước khi chia sẻ). Thông qua chuỗi các hội thảo, các buổi đào tạo và nguồn tài liệu trực tuyến, chương trình sẽ cung cấp cho thanh thiếu niên Việt Nam các bộ công cụ và hướng dẫn về việc chia sẻ thông tin một cách an toàn và có trách nhiệm trên mạng xã hội.

Chương trình sẽ được thực hiện tại 10 tỉnh thành phố trên khắp Việt Nam với mục tiêu đào tạo khoảng 30.000 thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi, 1.500 giáo viên, 100 tổ chức phi chính phủ và hơn 40 thanh niên trở thành giảng viên nguồn. Ngoài ra, sáng kiến này cũng đặt mục tiêu đào tạo trực tuyến cho hơn 250.000 bạn trẻ Việt Nam.