Facebook rót 10 triệu USD cho cuộc thi phát hiện video deepfake (công nghệ giả mạo, thay đổi khuôn mặt) “Deepfake Detection Challenge”. Các chuyên gia được đề nghị sản xuất những video giả như thật để làm dữ liệu cho công cụ phát hiện deepfake.

Các video này sẽ được tung ra vào tháng 12, với sự góp mặt của các diễn viên được trả thù lao và không sử dụng dữ liệu nào của người dùng.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo diễn ra tháng 11/2020, các mạng xã hội phải chịu áp lực lớn trong việc xử lý nguy cơ của deepfake. Deepfake dùng trí tuệ nhân tạo để tạo ra video siêu thực, trong đó một người dường như đang nói hay làm gì đó nhưng thực chất không phải vậy.

Vào tháng 8/2019, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) Mỹ đã minh họa nguy cơ từ video deepfake bằng việc tạo ra video về Chủ tịch Tom Perez, khiến khán giả tại hội nghị tin tặc Def Con tin rằng ông Perez “thật” đang gọi Skype đến.

Một số chuyên gia đang phát triển hệ thống để xác minh ảnh và video thông qua watermark (dấu mờ) điện tử. Song sự tiến bộ nhanh chóng của deepfake đã châm ngòi cuộc đua giữa những kẻ làm video deepfake và những người cố phát hiện video deepfake.

Công nghệ cũng trở nên dễ tiếp cận hơn với cả những tác giả kém kỹ năng. Tuần trước, ứng dụng Zao của Trung Quốc trở nên nổi tiếng vì khả năng ghép mặt vào video chỉ bằng thao tác đơn giản. Nhiều người còn đăng video hướng dẫn làm deepfake lên YouTube, tính phí với các giọng nói giả mạo và chạy website riêng để kiếm tiền.

“Deepfake Detection Challenge” không phải là nỗ lực đầu tiên của Facebook trong cuộc chiến chống deepfake. Công ty đã chi 7,5 triệu USD cho một nhóm các chuyên gia của nhiều trường đại học để giúp họ đối phó với nguy cơ deepfake.