Video dài xấp xỉ 26 phút tự nhận là đoạn trailer siêu dài cho bộ phim có tiêu đề "Plandemic", trong đó có cuộc phỏng vấn với Judy Mikovits, một nhân vật nổi tiếng với các hành động anti vắc-xin, từng đưa ra nhiều khẳng định vô căn cứ về tác động của vắc-xin.

Phát ngôn viên YouTube cho biết công ty xóa “nội dung chứa tư vấn chẩn đoán y khoa vô căn cứ đối với Covid-19”, bao gồm video “Plandemic”. Đại diện Facebook nói rằng nội dung đeo khẩu trang làm người đeo bị ốm trong video gây hại cho mọi người nên đã xóa video.

Trong khi đó, người phát ngôn Vimeo khẳng định công ty giữ lập trường kiên định trong giữ nền tảng an toàn trước các nội dung tuyên truyền thông tin y tế gây hiểu nhầm, độc hại. “Plandemic”bị xóa vì vi phạm những chính sách trên.

Twitter không xóa tweet từ Mikovits chia sẻ đoạn phỏng vấn khác của bà nhưng đã gỡ các hashtag #PlagueofCorruption và #PlandemicMovie khỏi mục tìm kiếm và xu hướng.

Video đưa ra những tuyên bố sai lầm như các tỷ phú tài trợ cho virus lây lan để phổ biến vắc-xin. Nó còn làm tổn hại tới uy tín của Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia khi cắt ghép bài phát biểu của ông trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Sau cùng, nó tuyên truyền đeo khẩu trang có hại.

Theo Digi Trends, tại thời điểm bị xóa khỏi Facebook, video đã có 1,8 triệu lượt xem, 17.000 bình luận và gần 150.000 lượt chia sẻ.

Theo Washington Post, các chuyên gia cho rằng thuyết âm mưu xuất hiện tràn lan trong đại dịch một phần vì con người cảm thấy bất mãn với sự bất ổn. Mike Wood, nhà tâm lý học và chuyên gia về thuyết âm mưu, cho biết nhiều thuyết âm mưu được “tái chế” từ thuyết cũ. Ông nhận xét khi có dịch bệnh xảy ra, ngay lập tức có các thông tin như virus là vũ khí sinh học để tiêu diệt loài người hay là cái cớ để chính phủ tiêm vắc-xin giết mọi người.

Các công ty mạng xã hội gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống tin giả mạo. Facebook dán nhãn các bài viết sai, giáng cấp trên Bảng tin người dùng, còn Twitter hướng dẫn người dùng truy cập Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh để tiếp cận tin tức chính xác. YouTube giới thiệu chính sách cụ thể để cấm video đặt nghi vấn về tính truyền nhiễm hay tồn tại của căn bệnh, quảng bá các cách điều trị vô căn cứ hay kêu gọi mọi người bỏ qua hướng dẫn chính thức.