Thực hiện công điện khẩn việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, kể từ ngày 13/7, thành phố Hà Nội dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ và chỉ cho phép bán hàng mang về để phòng, chống dịch.

{keywords}
Nhiều hàng quán ở Hà Nội treo biển chỉ bán mang về. (Ảnh: Duy Vũ)

Ngày đầu tiên thực hiện quy định bán mang về sau một thời gian nới lỏng, nhiều tuyến đường phố Hà Nội ngập tràn màu áo shipper của các ứng dụng Grab, Now, Gojek hay Ahamove. Lượng tài xế hoạt động nhiều hơn thường lệ nhất là vào thời gian cao điểm.

Anh H.Tài, một tài xế chạy GrabBike tâm sự, khi biết thông tin hàng quán chỉ bán mang về, anh em tài xế đều chuẩn bị đầy đủ phương tiện và cả sức khỏe để chuẩn bị hoạt động vì biết đơn sẽ nổ liên tục. “Có nhiều người còn chuẩn bị sẵn đồ ăn để có thể tranh thủ ăn lúc nghỉ ngơi”, anh nói.

{keywords}
Các hàng quán tấp nập shipper khi Hà Nội thực hiện quy định bán mang về. (Ảnh: Duy Vũ)

Đây là lần thứ hai Hà Nội thực hiện quy định bán mang về, vì thế các quán bán đồ ăn, nhà hàng cũng chủ động hơn. Các shipper và cả khách hàng dường như khá quen thuộc với việc gọi món mang về thay vì ăn tại chỗ.

Chị Minh Nguyệt, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết đã đặt đồ ăn từ khá sớm để có thể tìm ngay được shipper và cũng không phải đợi món lâu. Rút kinh nghiệm từ hồi tháng 5, có những ngày chị buộc phải hủy đơn vì không thể tìm được tài xế vào giờ cao điểm.

Theo chị Nguyệt, tiền ship hàng cũng khá cao, vì thế chị thường rủ mọi người cùng văn phòng mua chung ở một quán để tiện gọi ship và giảm chi phí.

{keywords}
Shipper thường chọn tập trung tại các tòa nhà, nơi được cho là có tỷ lệ "nổ" đơn cao. (Ảnh: Duy Vũ)

Trong đợt thực hiện quy định bán mang về đầu tiên, nhu cầu gọi đồ ăn qua ứng dụng tăng cao nhưng lại chỉ tập trung vào giờ cao điểm, nhất là buổi trưa. Vì thế các hàng ăn và shipper thường xuyên bị quá tải. Nhưng lần này, lượng đơn hàng rải rác từ sớm và kéo đến cả đến đầu giờ chiều.

Anh M, một tài xế Gojek cho hay: “10 giờ tôi đã có vài đơn hàng, khách gọi sớm để đỡ phải chờ lâu. Gọi muộn thì khó kiếm tài xế”.

{keywords}
Nhiều tuyến đường ngập tràn màu áo của các ứng dụng vận chuyển, giao hàng.

Tài xế này cũng chia sẻ rằng các đơn hàng vẫn tập trung ở cao điểm buổi trưa, thế nhưng không phải ai cũng thích chạy giờ này vì thời gian đợi lâu. Do đó, nếu tính toán khung đường và thời gian không chuẩn thì hiệu suất thực tế lại không cao.

Thành Huy, một tài xế Now vừa chuyển xong một đơn trà và bánh cho khách vào lúc 2 giờ chiều và nhận ngay một đơn nữa. Anh bắt đầu chạy nhiều đơn vào khoảng 11 giờ và hoạt động liên tục cho đến tận đầu giờ chiều. Anh tâm sự, đây là thời gian bận rộn của cánh tài xế:  "Khách hàng ngại di chuyển mua đồ nên anh em mới có việc làm. Có cơ hội là phải cày điểm thưởng nữa".

{keywords}
Nhiều tài xế tạm nghỉ ở những khu vực đông quán ăn, dân cư để chuẩn bị chờ đơn mới (Ảnh: Duy Vũ)

Các shipper cũng phản ánh lượng đơn hàng có tăng nhưng không đột biến. Lý do là nhiều hàng quán đóng, không bán mang về nên đơn hàng tập trung đông ở một số địa điểm, nhất là các quán ăn có giảm giá, khuyến mại. "Anh em tài xế cũng đông nên đơn nhỉnh hơn ngày thường thôi, chỉ có buổi trưa là bận rộn", anh Huy nói.

Duy Vũ

Shipper giao đồ ăn đắt khách vì yêu cầu “chỉ bán mang về”

Shipper giao đồ ăn đắt khách vì yêu cầu “chỉ bán mang về”

Nhu cầu giao nhận đồ ăn tăng lên sau sau khi quyết định chỉ bán mang về được áp dụng ở cả Hà Nội và TP.HCM. Các shipper cũng vất vả ngược xuôi khi đơn giao đồ ăn "nổ" liên tục.