Tiếp tục duy trì hiệu quả các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân

Trong thông tin vừa chia sẻ tối 24/9 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại Hà Nội, Sở TT&TT thành phố cho biết, từ 12h ngày 23/9 đến 12h ngày 24/9, cơ quan này đã tiếp nhận thêm 485 cuộc gọi, tin nhắn của người dân. Trong đó, Sở đã giải đáp 453 phản ánh, chuyển xử lý 32 phản ánh.

Lũy kế từ ngày 22/7 đến thời điểm báo cáo, số cuộc gọi, tin nhắn của người dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đã là 32.833. Trong đó, đã có 27.058 phản ánh được giải đáp và số phản ánh được chuyển xử lý là 5.775.

{keywords}
Từ 12h ngày 23/9 đến 12h ngày 24/9, tổng đài 1022 Hà Nội đã tư vấn, chăm sóc F0 cho 47 người.

Riêng với tổng đài 1022 của Hà Nội, tính từ 12h ngày 23/9 đến 12h ngày 24/9, tổng đài đã tiếp nhận 623 cuộc gọi liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19, trong đó số cuộc đáp ứng là 379, đạt 60,83%.

Sở TT&TT đã giải đáp, xử lý, tư vấn 357 cuộc và chuyển các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 22 cuộc. Tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động (đối với nhánh 3) là 47 cuộc gọi đi thành công; và số người được tư vấn, chăm sóc F0 là 47.

Cập nhật tình hình khai báo y tế, theo dõi truy vết các ca nhiễm, ca nghi nhiễm dịch, Sở TT&TT thành phố cho hay, tính đến ngày 23/9, Hà Nội có tổng số 8.117.734 tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm. Trong đó, số tờ khai trong ngày 23/9 là 136.989, tăng 48.891 tờ khai so với ngày trước đó.

Cũng trong ngày 23/9, toàn thành phố Hà Nội đã có tổng cộng 515 người khai báo ho sốt khó thở, tăng 11 trường hợp so với ngày trước đó, bao gồm 235 người khai báo ho, sốt qua ứng dụng Bluezone và 280 người khai báo ho, sốt qua trang tokhaiyte.vn.

Mỗi ngày có 200.000 lượt quét QR ghi nhận vào ra các địa điểm

Đáng chú ý, theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, trong ngày 23/9, số lượng điểm quét mã QR được tạo mới đã tăng vọt, với 49.426 điểm. Số điểm thường xuyên quét mã QR trên địa bàn thành phố trong 7 ngày gần đây là 41.289 điểm; trung bình mỗi ngày có khoảng 200.000 lượt quét QR.

Với việc có thêm 49.426 điểm trong ngày 23/9, tổng số địa điểm quét mã QR tính đến chiều ngày 23/9 đã là 358.726. Trong đó, Quốc Oai là huyện tạo nhiều điểm quét mã QR nhất trong 7 ngày qua, với 42.765 điểm. Các quận, huyện có nhiều lượt quét nhất gồm có Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì và Thanh Oai.

Tuy nhiên, số liệu của Sở TT&TT Hà Nội cũng cho thấy, hiện vẫn còn 27 xã trên địa bàn 11 huyện không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày.

{keywords}
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động với các cơ sở không thực hiện tạo điểm quét mã QR để quản lý thông tin người vào ra (Ảnh minh họa)

Trước đó, kết luận cuộc giao ban trực tuyến ngày 22/9 giữa Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố với Sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu: Các địa phương cần tiếp tục duy trì chốt kiểm soát tại khu dân cư để nắm tình hình. Chỉ thị 22 ngày 20/9 của UBND thành phố đã nêu rõ các quận, huyện, thị xã phải triển khai nghiêm túc, tăng cường giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, phải có quét mã QR. Cơ sở nào vi phạm thì kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.

Cũng trong ngày 22/9, Sở TT&TT Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc đề nghị các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và Thành đoàn Hà Nội đẩy mạnh triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR.

Tại văn bản này, cùng với đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR để kiểm soát người vào ra các địa điểm, Sở TT&TT Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc và công an các cấp phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc triển khai đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có tạo mã QR địa điểm và quét mã QR.

“Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… trên địa bàn quản lý không thực hiện tạo mã QR địa điểm, đã liên hệ nhắc nhở quá 3 lần vẫn không thực hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi tạo xong QR địa điểm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định”, công văn của Sở TT&TT thông tin. 

Khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR là 1 trong 3 nền tảng công nghệ được Bộ Y tế và Bộ TT&TT chọn triển khai thống nhất trong phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc. Giải pháp này thời gian qua đã được Hà Nội quyết liệt triển khai, góp phần đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, nới lỏng nhiều hoạt động sau gần 2 tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Vân Anh

Tạm dừng hoạt động các cơ sở sau hơn 3 lần nhắc vẫn không tạo điểm quét QR

Tạm dừng hoạt động các cơ sở sau hơn 3 lần nhắc vẫn không tạo điểm quét QR

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn Hà Nội không tạo mã QR địa điểm, được nhắc nhở quá 3 lần nhưng vẫn không thực hiện, sẽ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động đến khi tạo điểm quét QR.