UBND Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh (Ảnh minh họa: Internet)

Hình thành một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh hướng tới xây dựng thành phố Hà Nội thông minh bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân trên nền tảng công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0 đã được Lãnh đạo UBND Thành phố xác định là một mục tiêu quan trọng của Kế hoạch CNTT Hà Nội năm 2019.

Định hướng trên từng được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh trong chia sẻ với các đại biểu dự hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội tổ chức hồi tháng 9/2018. Cũng tại diễn đàn này, ông Chung đã cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành những thành phần cơ bản của thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh.

Trong năm 2019, 3 thành phần cơ bản của Thành phố thông minh được UBND TP.Hà Nội xác định sẽ ưu tiên triển khai gồm có Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội, Giao thông thông minh và Du lịch thông minh.

Về nhiệm vụ hình thành Trung tâm Điều hành thông minh - bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng Thành phố thông minh, Lãnh đạo UBND Thành phố cho biết, Hà Nội xác định sẽ hình thành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố với 8 Trung tâm chức năng, bao gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng CNTT của Thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công Thành phố; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.

Theo kế hoạch của Thành phố, năm 2019, 5/8 Trung tâm chức năng của Trung tâm Điều hành thông minh TP.Hà Nội sẽ được ưu tiên triển khai, đó là: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công Thành phố.

Song song với việc từng bước hình thành Trung tâm Điều hành thông minh Hà Nội, Thành phố sẽ tập trung để hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống Giao thông thông minh và Du lịch thông minh trong năm nay.

Cụ thể, về giao thông thông minh, thời gian tới, Thành phố sẽ triển khai Hệ thống thông tin giao thông tích hợp của Hà Nội và các hệ thống: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; Hệ thống phần mềm giám sát an ninh công cộng; Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh tại một số nút giao thông; Hệ thống biển báo giao thông điện tử; Hệ thống phần mềm trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh TP.Hà Nội; Hệ thống phần mềm quản lý và điều hành vận tải công cộng, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; Hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Đồng thời, tiếp tục triển khai diện rộng hệ thống iParking tại các điểm trông giữ xe ô tô trên địa bàn các quận của Thành phố.

Với Du lịch thông minh, năm nay, Thành phố sẽ triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng trên điện thoại di động; Phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Đồng thời triển khai theo yêu cầu thực tế các nội dung: Bản đồ số du lịch Hà Nội; Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội; Phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch.

Ngoài ra, trong năm 2019, Thành phố tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản của Y tế thông minh, Giáo dục thông minh, Môi trường thông minh, Nông nghiệp thông minh, Đô thị thông minh… Việc này thuộc trách nhiệm của các Sở có liên quan, với đơn vị phối hợp là Sở TT&TT Hà Nội.

Thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho hay, trong cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử TP.Hà Nội vừa được tổ chức chiều qua, ngày 15/2, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo đã giao Văn phòng UBND Thành phố tìm tư vấn để đấu thầu lựa chọn đơn vị xây dựng, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh.

Sở TN&MT được yêu cầu sớm triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai bởi đây là 1 trong 2 cơ sở dữ liệu cốt lõi để xây dựng Thành phố thông minh, Chính quyền điện tử. Chủ tịch UBND Thành phố cũng chỉ đạo Sở Du lịch triển khai dự án du lịch thông minh, lập các tiêu chí, lựa chọn nhà đầu tư.

Sở Y tế cần chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho triển khai hệ thống lưu chẩn đoán hình ảnh, trả kết quả cho người đến khám qua mạng, từ đó tiết kiệm kinh phí in phim cũng như bảo vệ môi trường; triển khai phần mềm Y tế thông minh để quản lý công tác khám chữa bệnh, quản lý dược.

Về việc các quận, huyện, thị xã tổ chức dự án lắp camera giám sát giao thông, an ninh trật tự, cũng theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Thành phố sẽ có văn bản quy định tiêu chuẩn; giao các sở, ngành liên quan lựa chọn nhà đầu tư xây dựng phần mềm quản lý giao thông thông minh. Các địa phương chịu trách nhiệm đấu thầu toàn bộ hạ tầng truyền dẫn, camera. Ngoài ra, 100% phường, xã, thị trấn được yêu cầu đến ngày 30/6/2019 phải hoàn thành việc lắp camera phục vụ họp trực tuyến.