Sáng 14/6, nhiều người dùng di động phản ánh họ nhận được những tin nhắn từ đầu số lạ trên các ứng dụng OTT như WhatsApp, Viber. Nội dung tin nhắn phát đi thông điệp về một chiến dịch khuyến mãi của nhãn hàng Adidas.

Theo đó, Adidas đang tặng 3.000 đôi giày và áo phông miễn phí để kỷ niệm 95 năm ngày thành lập công ty này. Cùng với thông tin trên là một đường dẫn trỏ đến địa chỉ adidas-sneakers.club. Nhận thấy đường dẫn có dấu hiệu bất thường, nhiều người dùng di động cho biết họ nghi ngờ tin nhắn này đến từ những kẻ lừa đảo.

Ham khuyến mãi, nhiều người chia sẻ tin nhắn lừa tặng 3.000 đôi giày Adidas
Nội dung tin nhắn lừa đảo về chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng Adidas. 

Khi Pv. VietNamNet liên hệ với một cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của Adidas trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhân viên cửa hàng khẳng định Adidas không hề có chiến dịch khuyến mãi nào giống như tin nhắn kể trên.

Người này cũng cho biết Adidas vừa kỷ niệm 70 năm thành lập, do vậy thông tin về đợt khuyến mãi nhân dịp 95 năm thành lập hãng là hoàn toàn không chính xác.

Theo nhân viên của Adidas, tất cả chiến dịch khuyến mãi của Adidas sẽ được đưa lên fanpage hoặc website. Adidas thường chỉ nhắn tin khuyến mãi thông qua tin nhắn di động thông thường tới những khách hàng đã từng mua và đăng ký dịch vụ này với phía hãng.

Ham khuyến mãi, nhiều người chia sẻ tin nhắn lừa tặng 3.000 đôi giày Adidas
Nhân viên Adidas cho biết nội dung chương trình khuyến mãi trong tin nhắn kể trên là fake news. Adidas không hề có một chương trình khuyến mãi nào như vậy. Ảnh: Trọng Đạt

Tiến hành kiểm tra về địa chỉ website có trong tin nhắn, công cụ truy vấn tên miền của iNet cho biết, địa chỉ adidas-sneakers.club chỉ mới được đăng ký ngày 13/6/2019, tức là chỉ một ngày trước khi các tin nhắn lừa đảo được gửi đi. Website này cũng không được đăng ký các tiêu chuẩn bảo mật phổ biến.

Thực tế cho thấy, những kẻ lừa đảo thường đánh vào lòng tham của nhiều người bằng việc tạo ra fake news (thông tin giả mạo) về các chương trình khuyến mãi của những thương hiệu lớn để thu hút, lôi kéo người xem.

Theo nhận định của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), các hoạt động sử dụng không gian mạng để lừa đảo đang diễn ra ngày một phức tạp.

Ham khuyến mãi, nhiều người chia sẻ tin nhắn lừa tặng 3.000 đôi giày Adidas
Sử dụng công cụ tra cứu tên miền để kiểm tra, website trong tin nhắn lạ chỉ được đăng ký một ngày trước khi thông tin này được phát tán. 

Cách thức của bọn tội phạm tập trung chủ yếu vào các hành vi như lừa đảo qua tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng, giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản.

Không chỉ vậy, xuất hiện nhiều vụ việc mà các đối tượng xấu đã chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin lừa đảo mọi người trong danh sách bạn bè của nạn nhân. Ngoài ra, xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo từ hoạt động trao đổi, mua bán qua mạng, kinh doanh đa cấp.

Với những trường hợp như tin nhắn kể trên, nếu click vào đường link lừa đảo, người sử dụng di động có thể vô tình tải về các mã độc lên chính thiết bị của mình. Do vậy, khi nhận được tin nhắn không rõ nguồn gốc, người dùng di động cần hết sức cảnh giác, tránh click vào đường link lạ mà mắc mưu những kẻ lừa đảo.