Bộ TT&TT tiếp tục triển khai số hóa truyền hình tại 21 tỉnh trong năm 2019.

Theo thông báo mới nhất của Bộ TT&TT, Cục Tần số vô tuyến điện và Ban quản lý Chương trình cung cấp Dịch vụ viễn thông công ích (Ban quản lý VTCI) được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các địa phương xác định cụ thể danh sách địa bàn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, địa bàn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH trên thực tế. Phối hợp với các địa phương lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ, trong đó bao gồm danh sách các hộ được hỗ trợ đầu thu truyền hình mặt đất và danh sách các hộ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH.

Việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số được tiến hành làm 3 giai đoạn. Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị phải triển khai và hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các địa bàn đang thu xem truyền hình mặt đất từ các trạm chính tại 12 tỉnh thuộc nhóm III, bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận trước ngày 31/3/2019.

Tổ chức triển khai và hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các địa bàn đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất từ trạm phát lại tại 9 tỉnh nhóm II, bao gồm: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu trước ngày 30/6/2019.

Tổ chức triển khai và hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các địa bàn đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất từ các trạm phát lại tại 12 tỉnh nhóm III, bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận trước ngày 31/9/2019.

Đối với khu vực Tây Nguyên, Bộ TT&TT giao cho Cục Tần số vô tuyến điện triển khai cuộc họp của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam với các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum đề xuất thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh này và báo cáo Trưởng ban chỉ đạo quyết định.

Với quyết định này, những hộ nghèo, cận nghèo nằm trong khu vực phủ sóng truyền hình mặt đất từ các trạm phát lại tại 21 tỉnh nói trên sẽ được nhà nước hỗ trợ thu xem truyền hình mặt đất qua đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH. Hồi tháng 12/2017, Bộ TT&TT đã chính thức đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng giải pháp truyền hình vệ tinh tại vùng núi, hải đảo, vùng có địa hình phức tạp để kết thúc truyền hình tương tự mặt đất. 

Sau khi đánh giá hiện trạng thực tế, Bộ TT&TT đề xuất giải pháp sử dụng truyền hình vệ tinh tại vùng núi, hải đảo, vùng có địa hình phức tạp để kết thúc truyền hình tương tự mặt đất, cụ thể như sau: Bổ sung nguyên tắc kết hợp số hóa truyền hình mặt đất và truyền hình số vệ tinh.

Đối với việc triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực miền núi, Bộ TT&TT đề xuất các đơn vị VTV, VTC, AVG và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất khu vực căn cứ vào nhu cầu triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại trung tâm các tỉnh, khu vực đồng bằng thuộc các địa phương trên, không bắt buộc phải triển khai hạ tầng truyền hình số mặt đất tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với việc đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho số hóa truyền hình qua vệ tinh với một số địa phương có địa hình đồi núi, Bộ TT&TT đề nghị hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh cho các hộ nghèo và cận nghèo.

Cụ thể, hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất đối với khu vực thuộc phạm vi phủ sóng các trạm phát truyền hình số mặt đất chính, hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng địa hình khó khăn thuộc trạm phát lại truyền hình mặt đất. Chi tiết khu vực hỗ trợ trong từng giai đoạn sẽ do Bộ TT&TT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định cụ thể đối với từng địa phương.