Hàng loạt giải pháp cho thành phố thông minh của các nhà sáng tạo trẻ đã được trao giải trong cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến tạo Xanh do Bosch Việt Nam và Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức hôm 18/11.

Theo đó, dự án “Green Footprint – Dấu chân xanh” đến từ hai bạn trẻ Hoàng Thu Giang và Nguyễn Hoàng Tuấn đã đoạt giải quán quân. Dựa trên dữ liệu về chất lượng không khí hiện nay của Việt Nam, dự án đã gây ấn tượng với ý tưởng phát triển một ứng dụng phần mềm kết nối với đèn LED tích hợp trong sticker để phát sáng báo hiệu chất lượng không khí xung quanh của người dùng.

{keywords}
3 đội đoạt giải cuộc thi Nhà kiến tạo xanh. 

Lễ trao giải của cuộc thi được tổ chức đồng thời cùng với hội thảo trực tuyến “Công nghệ cho bầu trời xanh” nhằm đáp ứng tầm nhìn và sứ mệnh của TP.HCM trong việc trở thành một thành phố xanh - sạch - đẹp, nền tảng của đô thị thông minh.

“Từ quá trình đô thị hóa đến các hoạt động sản xuất, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang tăng trưởng, mặc cho các tác động lên môi trường. Điều này thúc giục chúng ta phải hành động ngay lập tức vì một môi trường xanh và một bầu không khí sạch hơn”, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM (HEPA) đã chia sẻ trong phần trình bày của mình tại hội thảo “Công nghệ cho bầu trời xanh”.

Sau 5 năm triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, đến nay TP.HCM đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đặt ra.

Giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP.HCM. Nhằm giải quyết giám sát không khí, Bosch Việt Nam đã giới thiệu hệ thống sản phẩm giám sát giao thông và chất lượng không khí.

Giải pháp này đã được triển khai tại Luân Đôn (Vương quốc Anh) góp phần mang đến bức tranh toàn cảnh về không khí, cải thiện lưu lượng giao thông, từ đó giảm mức oxit nitơ (NOx) (6%), trong số các thông số môi trường khác.

Hệ thống bao gồm Hộp giám sát chất lượng không khí Bosch – Bosch Immision Monitoring Box (IMB), kết hợp với khảo sát địa hình xây dựng cũng như điều kiện thời tiết để việc đo lường và thu thập dữ liệu chất lượng không khí chính xác hơn.

Các thiết bị và dữ liệu giám sát chất lượng không khí và giao thông này cũng được các thí sinh tham gia Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh áp dụng trong các dự án của mình. 

“Em đã từng nghĩ mình không thể tham gia cuộc thi vì minh không phải dân công nghệ. Nhưng thật tuyệt vời vì cuộc thi đã cho em cơ hội để được thử sức và cháy hết mình với tuổi trẻ. Hành trình hai tháng tại sân chơi Hackathon: Nhà kiến tạo xanh khép lại là kỷ niệm đáng nhớ với em” – bạn Hoàng Thu Giang, trưởng nhóm Green Footprint cho hay.

Á quân cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh được trao cho dự án Traffic Control với phần mềm phân tích và kiểm soát mật độ giao thông tại nút giao thông bằng camera thông minh, từ đó tự điều khiển đèn giao thông nhằm tối ưu hoá phân luồng giao thông.

Giải ba thuộc về dự án AirQ4Cast với ứng dụng thông minh tích hợp khả năng học máy, dự đoán và phân tích chất lượng không khí địa phương thông qua dữ liệu về mật độ cây che phủ và lưu lượng giao thông.

Ngoài các giải pháp đoạt giải nói trên, trong 10 đột lọt vào chung kết còn có nhiều ứng dụng khác góp phần xây dựng thành phố thông minh hơn.

Chẳng hạn, dự án dự đoán giao thông tạo ra một ứng dụng đa năng với ưu tiên hàng đầu là giảm ùn tắc giao thông và tăng cường sức khỏe cộng đồng, sử dụng dữ liệu từ camera thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo để dự đoán lưu lượng giao thông, phân tích chất lượng không khí và đề xuất hướng đi phù hợp trong giờ cao điểm.

Hoặc dự án tối ưu hoá năng lượng cho toà nhà, giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách điều khiển các hệ thống và năng lượng trong tòa nhà; tổng hợp các dữ liệu về thời tiết và chất lượng không khí của thiết bị Bosch IMB. Sau đó công nghệ tòa nhà sẽ tự động điều chỉnh các hệ thống và thiết bị, nhằm tạo ra mô hình tiết kiệm năng lượng nhất để giảm khí thải carbon.

“Chúng tôi rất vui mừng bởi sự nhiệt huyết và năng lực của những thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là khát khao của họ nhằm góp phần cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam”,  ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam phát biểu.

“Bosch Việt Nam cam kết sẽ không ngừng cố gắng để cải thiện chất lượng không khí tại TP.HCM, song song với việc đảm bảo nhu cầu đi lại của từng cá nhân. Và để đạt được mục tiêu ấy, chúng tôi sẽ tích cực hợp tác với chính phủ, các ngành công nghiệp và các chuyên gia liên quan để có thể đưa ra các giải pháp tốt nhất dựa trên các nghiên cứu và ứng dụng khoa học”, ông Guru Mallikarjuna nói thêm.

Hải Đăng

Bình Dương sắp có chương trình phát triển đồng bộ thành phố thông minh

Bình Dương sắp có chương trình phát triển đồng bộ thành phố thông minh

Theo báo cáo trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ ban hành Chương trình về Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng Thành phố thông minh.