Thông tin trên vừa được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) chia sẻ tại sự kiện khai mạc chương trình diễn tập quốc gia ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2019 diễn ra sáng nay, ngày 31/7/2019.

Có chủ đề “Xử lý rò rỉ thông tin và điều tra, xác định nguồn gốc tấn công”, chương trình diễn tập được VNCERT chủ trì tổ chức trực tuyến tại 3 điểm cầu thuộc 3 khu vực miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng) và miền Nam (TP.HCM).

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc chương trình diễn tập chủ để “Xử lý rò rỉ thông tin và điều tra, xác định nguồn gốc tấn công”.

Trong phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, công tác diễn tập xử lý các tình huống sự cố sự cố an toàn, an ninh mạng phát sinh là một nội dung quan trọng đã được Bộ TT&TT giao cho Trung tâm VNCERT chủ trì tổ chức hàng năm.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc Trung tâm VNCERT tổ chức chương trình diễn tập này để tạo cơ hội, sân chơi cho hơn 200 cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý của các Thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia tham gia, đến từ đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin, ứng cứu sự cố của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan, đơn vị nắm giữ hạ tầng trọng yếu quốc gia; các tổ chức tài chính, ngân hàng; một số Sở TT&TT các tỉnh, thành phố; Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam VNISA, các doanh nghiệp an toàn thông tin…

Chương trình diễn tập quốc gia năm nay được thiết kế, lồng ghép với diễn tập quốc tế APCERT 2019. Chương trình tập trung vào giải quyết, xử lý sự cố liên quan đến nguy cơ mất an toàn thông tin từ dịch vụ email và các dịch vụ dễ bị tổn thương khác. Các đội tham gia diễn tập được thực hành cùng 28 tổ chức CERT quốc tế đến từ 20 quốc gia, nền kinh tế thuộc tổ chức APCERT. Đây cũng là dịp để các cán bộ kỹ thuật, các đơn vị, các đội cập nhật kỹ thuật mới trong ứng cứu sự cố; kiểm tra tính sẵn sàng của các đầu mối liên lạc giữa các đội; kiểm tra phương án dự phòng trong quy trình ứng cứu sự cố; nâng cao năng lực ứng cứu sự cố và nâng cao khả năng phối hợp giải quyết sự cố an ninh mạng xuyên quốc gia.

Diễn tập quốc gia ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm nay có sự tham gia của hơn 200 cán bộ kỹ thuật , cán bộ quản lý của các Thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.

Theo VNCERT, tấn công mạng ngày càng thay đổi nhanh chóng, với những thủ đoạn tấn công mới, tinh vi hơn, quy mô lớn hơn. Theo thống kê của tổ chức an toàn quốc tế như Panda Security, Kaspersky... bình quân mỗi ngày có 230.000 mẫu mã độc mới được tạo ra và có khoảng 4.000 cuộc tấn công mã độc tống tiền Ransomware; thiệt hại bình quân cho một cuộc tấn công mã độc tống tiền là 1.077 USD. Trong 131 thư điện tử (email) được gửi toàn cầu thì có 1 email là chữa mã độc.

Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất của VNCERT, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm ghi nhận 6.219 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam, trong đó có: 2.155 sự cố tấn công lừa đảo (Phishing); 3.824 trường hợp sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 240 sự cố website bị nhiễm mã độc (Malware). Bên cạnh đó, hàng ngày có khoảng gần 100.000 địa chỉ mạng của Việt Nam truy vấn hoặc kết nối đến mạng lưới máy tính ma (Botnet).

Theo thống kê mới nhất của VNCERT, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm ghi nhận 6.219 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng trong phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các đơn vị tham gia diễn tập tích cực, tập trung cùng phân tích, xử lý các tình huống, cách thức phối hợp, ứng cứu và xử lý sự cố được giả định trong diễn tập. Thực hành và vận dụng tốt các quy định hiện hành của của Việt Nam và tiêu chuẩn, quy định theo thông lệ quốc tế trong phối hợp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ xử lý và ứng cứu sự cố.

“Sau buổi diễn tập, tôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị và các cán bộ tham gia thực hành tổng kết các kinh nghiệm thu được tại cuộc diễn tập, đề xuất và hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin về ứng cứu, xử lý sự cố, đặc biệt là trong công tác xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố của cơ quan, đơn vị, lĩnh vực và địa bàn mình phụ trách. Tích cực phối hợp, trao đổi, chia sẻ và báo cáo thông tin về ứng cứu, xử lý sự cố theo quy định tại Quyết định 05 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 20 năm 2017 của Bộ TT&TT”, Thứ trưởng yêu cầu.