{keywords}
Ông Trump phát biểu trước báo chí khi rời Nhà Trắng thăm bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, Mark Zuckerberg bắt đầu cân nhắc đình chỉ vô thời hạn tài khoản Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đêm 6/1, vài tiếng sau vụ bạo loạn Đồi Capitol.

Trong nhiều năm, CEO Facebook chọn cách tiếp cận không đụng chạm tới các cáo buộc sai lầm của Tổng thống, đề cao tự do ngôn luận và giá trị tin tức của các phát ngôn của ông bất chấp lời kêu gọi hành động quyết liệt hơn cả trong và ngoài công ty.

Tuy nhiên, sau một loạt đối thoại với các nhân vật hàng đầu – bao gồm Giám đốc Điều hành Sheryl Sandberg, Giám đốc Chính sách toàn cầu Monika Bickert, Giám đốc các vấn đề toàn cầu Nick Clegg, Phó Chủ tịch Chính sách công toàn cầu Joel Kaplan – Zuckerberg tin rằng ông Trump đã đi quá giới hạn, theo nguồn tin của CNBC.

Sớm cùng ngày, Facebook đã cấm tài khoản của ông Trump trong 24 giờ. Nay, Zuckerberg chuẩn bị cho lệnh cấm toàn diện hơn: kéo dài ít nhất hết nhiệm kỳ Tổng thống.

Sáng hôm sau, từ nhà nghỉ dưỡng tại Kauai, Hawaii, Zuckerberg điện thoại với Sandberg, Bickert, Clegg, Kaplan và các lãnh đạo khác. Ông quyết định rằng nỗ lực kích động bạo lực và phá hoại tiến trình dân chủ của Tổng thống Trump là cơ sở cho lệnh cấm vô thời hạn. Nguồn tin tiết lộ không có ai bày tỏ ý kiến ngược lại.

Không lâu sau, Zuckerberg đăng bài viết lên Facebook cá nhân, giải thích “nguy cơ khi cho phép Tổng thống tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong giai đoạn này quá lớn”.

Cùng ngày, CEO Twitter Jack Dorsey cân nhắc hành động cấp tiến hơn nhiều, theo nguồn tin của CNBC. Tham khảo ý kiến của Giám đốc Pháp lý Twitter Vijaya Gadde, Dorsey tin rằng hành động đúng đắn nhất là cấm tài khoản cá nhân của Tổng thống Trump vĩnh viễn do bài viết của ông đại diện cho rủi ro với an toàn của công chúng.

Khi ấy, CEO Twitter đang ở đảo Polynesia của Pháp, nơi ông dành phần lớn thời gian năm 2020 tránh xa Vịnh San Francisco, và bận rộn với các dự án khác như ứng dụng thanh toán di động Square, tương lai tiền ảo, thâu tóm nền tảng stream nhạc Tidal.

Sau khi trao đổi với Gadde và các lãnh đạo cấp cao Twitter, Dorsey phê duyệt lệnh cấm vĩnh viễn, dù sau đó ông thừa nhận quyền lực của mình đã gây ảnh hưởng nặng nề đến “các cuộc thảo luận của công chúng toàn cầu”. Twitter công bố lệnh cấm vào ngày 8/1.

Quyết định của Facebook và Twitter là bước ngoặt đối với các mạng xã hội Mỹ và là minh chứng rõ rệt nhất cho sức mạnh tuyệt đối của họ. Chỉ với vài quyết định đơn phương, một nhóm nhỏ các CEO công nghệ đã truất quyền phát ngôn của Tổng thống Mỹ trên các công cụ truyền thông có ảnh hưởng nhất.

Trong hơn 4 năm, ông Trump dựa vào mạng xã hội để thu hút chú ý, ra quyết định, tạo chuyển động thị trường và mở rộng nền tảng người theo dõi, thường đưa ra các phát ngôn hay tuyên bố trước cả khi trợ lý của mình kịp nhận ra. Song, CNBC nhận định, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, ông đã mất gần hết quyền truy cập chiếc microphone yêu thích của mình.

Twitter và Facebook là các công ty đầu tiên hành động. Những ngày tiếp theo, Google đình chỉ tài khoản YouTube của Tổng thống Trump, Reddit cấm một số diễn đàn “thân Trump”, còn Snapchat vốn đã hạn chế hoạt động của ông trên nền tảng nay thông báo sẽ cấm vĩnh viễn từ 20/1, ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.

Từ đó tới nay, ông Trump gần như không xuất hiện trong dòng chảy tin tức mạng xã hội. Ông buộc phải phát ngôn và công bố video thông qua các phương tiện truyền thông truyền thống, thông cáo báo chí và trên tài khoản Twitter Nhà Trắng, nơi lượng người theo dõi chỉ bằng 1/3 tài khoản cá nhân của ông.

Các giám đốc Facebook, Twitter và công ty khác tin họ đã ra quyết định đúng đắn nhưng cũng tỏ ra dè dặt về sức mạnh của riêng mình. Một quan chức giấu tên của Facebook cho rằng “cái giá của quyết định này là làm sáng tỏ thực tế một nhóm nhỏ cá nhân có quyền lực như vậy”.

Mạng xã hội không phải là những công ty duy nhất cho thấy sức mạnh của Internet tập trung ở đâu. Ngay sau khi Facebook, Twitter cấm tài khoản Tổng thống Trump, các hãng công nghệ sừng sỏ hơn mới bắt đầu trưng trổ sức mạnh: Apple và Google xóa Parler, ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng với những người ủng hộ Trump, ra khỏi chợ ứng dụng do không ngăn chặn được phát ngôn thù địch; Amazon dừng cung cấp dịch vụ hosting với Parler. CEO Parler John Matze thừa nhận ứng dụng có thể không bao giờ quay trở lại.

Trong bài đăng Twitter dài tuần này, Jack Dorsey cho biết, quyết định cấm Tổng thống Trump có thể tạo tiền lệ “nguy hiểm”, nhấn mạnh “sức mạnh của một cá nhân hay doanh nghiệp đối với thảo luận của công chúng toàn cầu”. Ông chỉ ra các công ty kiểm soát nhiều hơn nền tảng của họ, về lâu dài sẽ hủy diệt mục đích và lý tưởng cao cả của nền Internet mở.

Ông Trump và đồng minh đã lên tiếng cảnh báo trước các quyết định của Big Tech. Trong video đăng trên tài khoản Twitter Nhà Trắng, ông Trump chỉ trích “nỗ lực kiểm duyệt, hủy bỏ và đưa công dân vào danh sách đen”. Trong khi đó, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ, dường như không nhìn thấy nhiều vấn đề trong các hành động chống lại ông Trump và người ủng hộ của các nền tảng. Họ viện dẫn Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp không cấm doanh nghiệp tư nhân quyết định cái gì được xuất hiện trên nền tảng. Họ hoan nghênh quyết định và thậm chí còn tin rằng nó nên xảy ra sớm hơn.

Rachel Cohen, người phát ngôn của Thượng nghị sỹ Mark Warner, một người ủng hộ giám sát Big Tech chặt chẽ hơn, phát biểu: “Nền tảng là nền tảng. Họ có điều khoản người dùng. Khi ai đó vi phạm tiêu chuẩn nền tảng, người ấy nên chịu trách nhiệm”.

Facebook và Twitter từ lâu đặt ra các quy định đặc biệt dành cho không chỉ ông Trump mà còn các lãnh đạo thế giới khác. Họ lấy lý do ngay cả các bài viết tranh cãi nhất cũng có giá trị tin tức đáng kể. Hầu hết các bài viết tranh cãi của Tổng thống Mỹ vẫn xuất hiện, đôi khi bị dán nhãn, đôi khi không.

Quyết định của Facebook và Twitter là lời hồi đáp cho một tình thế vô cùng cụ thể, theo nguồn tin của CNBC. Một cá nhân có ảnh hưởng đặc biệt đang kích động bạo lực, đe dọa tiến trình dân chủ, lời nói của ông có hiệu ứng rõ ràng trong thế giới thực.

Twitter không chỉ nói phát ngôn của ông Trump có thể truyền cảm hứng bạo lực cho mọi người, mà còn dẫn nhiều dấu hiệu cho thấy những ngôn từ này “được hiểu và tiếp nhận” như kích động bạo lực.

Tiền lệ đã được đặt ra. Dù các nền tảng này có thể không bao giờ ở trong tình huống cực đoan như tuần trước, thế giới đã chứng kiến các hãng công nghệ quyền lực thế nào và nhận ra giám đốc của họ có khả năng hành động quyết liệt tới đâu nếu cần thiết mà không cần quy định hay luật pháp bên ngoài nào.

Du Lam (Theo CNBC)

Kìm cương Big Tech: Bài toán bức thiết nhưng nan giải

Kìm cương Big Tech: Bài toán bức thiết nhưng nan giải

Liệu CEO một hãng công nghệ có quyền buộc một Tổng thống đương nhiệm phải ‘câm lặng’? Làm thế nào để kìm hãm sức mạnh vượt tầm kiểm soát của Big Tech? Đây quả thực là những câu hỏi khó có lời đáp.