Trong phát biểu khai mạc Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT và truyền thông tổ chức ở Phú Yên sáng 23/8. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định bước tiếp theo của CNTT là chuyển đổi số. Đây là sự chuyển dịch mang tính cách mạng, sẽ làm thay đổi diện mạo của đất nước. Sứ mạng ấy được trao cho những người làm CNTT, những người làm công nghệ số nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ đóng vai trò một cửa cho các doanh nghiệp, các tổ chức làm CNTT-TT; tiếp nhận, lắng nghe các vấn đề của ngành, giải quyết và tham mưu Chính phủ giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Bộ TT&TT cũng đóng vai trò nhạc trưởng về phát triển ICT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hải Đăng

Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia để ban hành trong năm nay. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ mới, thách thức mới, nhưng vì vậy lực lượng làm CNTT của Việt Nam sẽ có bước phát triển mới.

Bộ TT&TT là Bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT. Sứ mạng của Bộ là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ICT sẽ là nền tảng của kinh tế số, xã hội số, cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có 5 lĩnh vực trong ICT bao gồm: Bưu chính với định hướng là hạ tầng cho thương mại điện tử; Viễn thông với định hướng chuyển từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT; CNTT với định hướng là Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; An toàn, an ninh mạng với định hướng bảo đảm an toàn cho công cuộc chuyển đổi số; Công nghiệp ICT với định hướng phát triển 100.000 doanh nghiệp ICT. Cả năm lĩnh vực nói trên phải được đầu tư trước, đi trước để thay đổi thứ hạng Việt Nam đang từ 108 lên thành Top 50, Top 30.

Trong 200 năm qua, thế giới đã đi qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp: cơ giới hoá, điện khí hoá và tự động hoá, nay là cuộc cách mạng về số hoá. Chuyển đổi số bao gồm bước một là số hoá. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng không chỉ con người được số hoá mà tất cả các vật vô tri vô giác sẽ được số hoá.

Bộ trưởng khẳng định hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam: “Chúng ta phải phát triển 100.000 doanh nghiệp ICT, nhất là các doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố, tập trung làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội”. Bên cạnh đó, cần đào tạo 1.000 cán bộ chuyên gia về chuyển đổi số, phân bổ ở tất cả các ban, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt và lan toả.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, cách để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số là phát triển các platform (nền tảng). Mỗi platform phục vụ cho hàng trăm ngàn người, hàng ngàn tổ chức chuyển đổi số. “Các yếu tố nền tảng của chuyển đổi số là thể chế, hạ tầng, đổi mới sáng tạo, an ninh an toàn mạng, doanh nghiệp ICT và đào tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.