{keywords}
Leflair từng tuyên bố đóng cửa vì "cạn vốn"

Sàn thương mại điện tử Leflair vừa về tay Society Pass sau một thương vụ mua bán sáp nhập (M&A). Ông chủ mới của Leflair là Society Pass, một công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Doanh nghiệp này được biết đến với nhiều vụ M&A với các công ty công nghệ vừa và nhỏ tại Việt Nam. Hai nền tảng đang được Society Pass vận hành tại Việt Nam là Sopa và #Hottab.

Sau khi tuyên bố quyền sở hữu Leflair, Society Pass cũng cho biết, sẽ đưa sàn này trở lại thị trường Việt Nam vào Quý III/2021.

Được biết, Society Pass đã mua lại thương hiệu Leflair và các tài sản trí tuệ khác từ một công ty có trụ sở tại Hồng Kông, hiện đang sở hữu thương hiệu Leflair.

Thương vụ mua bán này được Society Pass thực hiện nhằm thông qua sự nhận biết của người tiêu dùng Việt Nam với thương hiệu Leflair, để lấn sân vào phân khúc tiêu dùng cao cấp với các sản phẩm dịch vụ phong cách sống có giá trị thưởng thức cao cùng cơ hội mở rộng thị trường các sản phẩm cao cấp với giá cả cạnh tranh.

Leflair từng là một sàn thương mại điện tử chuyên phân phối hàng xa xỉ được nhiều người biết đến với cả thành công và tai tiếng.

Thành lập năm 2015, sàn thương mại điện tử này từng có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là một trong những sàn thương mại điện tử nổi bật nhất tại thị trường Việt Nam. Mô hình của Leflair từng thu hút và có doanh số bán hàng cao dựa trên việc triển khai thành công các concept không đụng hàng cho các chiến dịch Flash Sale. Đồng thời cũng gọi thành công vốn hàng chục triệu USD.

Tháng 2/2020, Leflair bất ngờ tuyên bố đóng cửa trong sự ngỡ ngàng của nhiều khách hàng và nhà cung cấp. Lý do được đưa ra là do “cạn vốn”.

Sau 1 năm thông báo dừng hoạt động cùng nhiều lùm xùm quanh món nợ lớn với hàng trăm nhà cung cấp hàng xa xỉ, tháng 3/2021, Leflair đã được chấp thuận phá sản, nhưng đã nhanh chóng về tay một nhà đầu tư mới.

Khi ICTnews hỏi về các vấn đề pháp lý khi đưa Leflair trở lại hoạt động tại Việt Nam, đại diện truyền thông của Society Pass cho biết, chủ đầu tư mới “không chịu trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ đã từng sử dụng”.

Cụ thể, phía Society Pass cho biết, đã chính thức hoàn tất thương vụ mua bán (M&A) này với chủ sở hữu thực sự của Leflair là GoodVentures SEA Ltd, một tập đoàn có trụ sở chính tại Hong kong theo luật quốc tế. 

“Thương vụ M&A này cho phép chủ đầu tư mới toàn quyền đưa Leflair trở lại thị trường và quản lý và vận hành trực tiếp nền tảng của Leflair, đồng thời không phải chịu trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ đã từng sử dụng thương hiệu Leflair – đơn vị vốn đã tuyên bố và được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật”, vị này cho biết. 

Website www.leflair.com có thể đi vào hoạt động trong Quý III/2021 trên một nền tảng và cả mô hình quản lý mới. Đồng thời sẽ gia nhập hệ sinh thái super app của Society Pass. Tuy nhiên, sẽ là thách thức lớn cho đội ngũ quản lý, vận hành của sàn thương mại điện tử này khi chinh phục lòng tin của cả các nhà cung cấp và khách hàng tại thị trường Việt Nam, nhất là khi giữ nguyên thương hiệu và định vị của Leflair.

Duy Vũ

Lúng túng khi thực thi quy định sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán

Lúng túng khi thực thi quy định sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán

Theo quy định mới, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... sẽ phải cung cấp thông tin, khấu trừ thuế trực tiếp trên doanh thu của cá nhân bán hàng trên sàn. Song nhiều doanh nghiệp bối rối chưa biết thực thi thế nào.