Nhiều địa phương tập huấn trực tuyến về phòng chống dịch

Trong thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp từ chủng mới của virus Corona mới (2019-nCoV) đang rất khó lường thì các buổi tập huấn trực tuyến nhiều điểm cầu đang là lựa chọn phù hợp trong việc bồi dưỡng, trao đổi kiến thức phòng chống dịch ở các địa phương.

Như vừa qua vào chiều 3/2, Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị Tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục & Đào tạo với 50 điểm cầu về các biện pháp khử khuẩn và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới.

Tại hội nghị, đại diện chuyên gia Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố đã tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các tác nhân gây bệnh, hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch bệnh; công tác lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm; các biện pháp phòng bệnh.

Các thầy cô giáo được đề nghị phun thuốc khử trùng, hàng ngày cần phải tiến hành vệ sinh bề mặt sàn các lớp học, sân trường, nhà vệ sinh, mở cửa tạo không khí thoáng đãng tại các lớp học, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh thường xuyên cho con em dùng nước súc miệng, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn…

b1-giao-ban-tap-huan-truc-tuyen-mua-dich-2019-ncov-trao-doi-kien-thuc-phong-chong-virus-corona-moi-qua-hoi-nghi-truc-tuyen.jpg

Vừa qua vào chiều 3/2, Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị Tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục & Đào tạo với 50 điểm cầu về các biện pháp khử khuẩn và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới. Nguồn ảnh: haiphong.gov.vn.

Ở Quảng Ninh, toàn tỉnh thành lập 16 đội đáp ứng nhanh với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng; trong đó đáng chú ý là Quảng Ninh tổ chức tập huấn trực tuyến công tác điều trị bệnh nhân mắc nCoV cho 31 đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện và một số trạm y tế xã theo kịch bản của Bộ Y tế.

Và cũng theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký từ ngày 1/2, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã lắp đặt hệ thống camera trực tiếp truyền hình ảnh 24/24h mọi hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đến văn phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Nâng cao chuyên môn các cơ sở y tế bằng giao ban trực tuyến

Virus Corona mới đang gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp ở Vũ Hán có tên gọi đầy đủ là "novel coronavirus 2019", với chữ novel nghĩa là mới. Tên ký hiệu của virus này là 2019-nCoV, trước đó cũng có những virus nguy hiểm cùng nhóm như MERS-CoV và SARS-CoV.

Trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, có tổng cộng 6 loại coronavirus có thể lây nhiễm ở người. 4 virus rất dễ lây nhiễm nhưng gây bệnh tương đối nhẹ gồm: HCoV-229E (vật chủ ban đầu là dơi), HCoV-OC43 (vật chủ là gia súc), HCoV-NL63 (vật chủ là dơi và cầy hương), và HCoV-HKU1 (vật chủ là chuột).

Trong khi đó 2 virus không dễ lây nhưng gây bệnh rất nặng đó là SARS-CoV (vật chủ là dơi và cầy hương) và MERS-CoV (vật chủ là lạc đà) từng gây ra các đợt dịch nghiêm trọng trước đây. 2019-nCoV là loại virus Corona mới nhất.

Virus gây viêm phổi Vũ Hán 2019n-CoV được các nhà khoa học Trung Quốc xác định ngày 6/1/2020, thuộc chi beta coronavirus. Hiện nay, 2019-nCoV vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm về nguồn gốc, phương thức truyền nhiễm, đường lây chuyền, phương thức chẩn đoán và điều trị.

Nhưng từ nghiên cứu 41 bệnh nhân cho đến nghiên cứu 99 bệnh nhân bị viêm phổi do 2019-nCoV đã công bố trên tạp chí danh tiếng The Lancet, cho thấy 2019-nCoV có các triệu chứng lâm sàng của các bệnh hô hấp tương tự như SARS, không nên đánh giá thấp tỷ lệ tử vong như nhận định ban đầu.

Trước tình hình trên Bộ Y tế cũng có công văn gửi đến các bệnh viện về việc giao ban chuyên môn trực tuyến công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra.

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng trong chuyên môn khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức giao ban chuyên môn trực tuyến phòng, chống dịch.

Hệ thống giao ban trực tuyến gồm 22 điểm cầu, trong đó 21 bệnh viện nằm trong danh sách giao ban trực tuyến nhằm ứng phó lại với dịch viêm phổi do virus Vũ Hán như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện Nhi, Bệnh viên E, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM…

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trong danh sách này cử cán bộ CNTT phối hợp với Viettel khảo sát triển khai tại các điểm cầu.