Quyết định 5772 ban hành biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” được Thứ trưởng Bộ Y tế ký ngày 20/12. Quyết định của Bộ Y tế cũng nêu rõ: Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước.

{keywords}
Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” sẽ được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Bộ Y tế quy định: Các trường thông tin hiển thị của “Hộ chiếu vắc xin” gồm có: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vắc xin; Sản phẩm vắc xin; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin; Mã số của chứng nhận.

Trong đó, những thông tin gồm họ và tên, ngày sinh kết hợp với giấy tờ định danh khác như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hay Hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu. Ngày tiêm và số mũi tiêm đã nhận để xác định thông tin tiêm chủng. Mã QR sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

{keywords}
Minh họa chứng nhận điện tử đã tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam trên thiết bị di động.

Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, vắc xin, loại vắc xin và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu “Covid-10 vaccine tracker and landscape” của WHO được cập nhật trên cổng thông tin điện tử của WHO và “Value Sets for EU Digital Covid Certificates” do Liên minh châu Âu - EU ban hành.

Bộ Y tế cũng quy định cụ thể quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” gồm 3 bước. Trong đó, ở bước đầu tiên, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn tại công văn 8938 ngày 21/10/2021 của Bộ Y tế về quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin Covid và văn bản 9438 ngày 5/11/2021 về việc hướng dẫn Quy trình xác thực thông tin người dân trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

{keywords}
Sơ đồ quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam.

Ở bước 2, các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 cần đáp ứng quy định tại Quyết định 5772 của Bộ Y tế về chuẩn hóa dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 (Mục 3) và Danh mục bảng mã quốc tế (Mục 4).

Với bước cuối cùng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

“Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành”, Bộ Y tế hướng dẫn rõ. 

Là nền tảng công nghệ được 2 Bộ Y tế và TT&TT chỉ đạo Viettel xây dựng, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 gồm 4 thành phần chính: ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến cơ quan quản lý.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 cũng là 1 trong 3 nền tảng đã được 2 Bộ Y tế và TT&TT khuyến nghị triển khai dùng chung bắt buộc thống nhất trong công tác chống dịch Covid-19 trên toàn quốc. Nền tảng đã được 63/63 tỉnh, thành phố triển khai ở các mức độ khác nhau. Tính đến hết ngày 20/12, trên toàn quốc đã có gần 133 triệu mũi tiên được cập nhật lên nền tảng, chiếm 94,68% tổng số mũi thực thực tế; số thuê bao đã cài và sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử là hơn 30,8 triệu.

Vân Anh

Ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng để người dân không thiệt thòi

Ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng để người dân không thiệt thòi

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh nhấn mạnh, nếu các địa phương không ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thì người dân sẽ bị thiệt thòi.