Việc các doanh nghiệp ICT Việt Nam đồng hành cùng Bộ TT&TT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành phố để triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho các Tổ công nghệ số cộng đồng được nhận định sẽ góp phần phần gắn kết doanh nghiệp với các địa phương, đồng thời mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ cho người dân của các doanh nghiệp.

{keywords}
Tính đến ngày 5/9,đã có 51 tỉnh, thành phố thành lập 46.105 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 212.761 thành viên. (Ảnh: P.Nga)

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, chương trình tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các địa phương sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương trong triển khai chuyển đổi số nói chung và hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng.

Để chuẩn bị cho chương trình này, Bộ TT&TT vừa đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện một số công việc.

Cụ thể là, chỉ đạo, quán triệt tất cả đoàn viên thanh niên, các Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương tham gia tập huấn trực tuyến về chuyển đổi số, kỹ năng số thông qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà - MOOCs tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn.

Mục tiêu đặt ra là đến hết tháng 11 năm nay, tất cả đoàn viên thanh niên và 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến thông qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Đồng thời, yêu cầu 100% đoàn viên thanh niên và thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia” và chọn “Quan tâm” để kịp thời nắm bắt, cập nhật định hướng, thông tin về các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, làm nền tảng kiến thức phục vụ cho việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Mục tiêu đến hết tháng 9/2022, 100% đoàn viên, cùng tất cả thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia”.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và Trung ương Đoàn cử đầu mối phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp cho các Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Mục tiêu đến hết tháng 9/2022, hoàn thành tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 100% Tổ công nghệ số cộng đồng tại 63 địa phương.

Theo kế hoạch, chương trình bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ được bắt đầu từ ngày 12/9 và kết thúc vào ngày 30/9 theo 10 cụm địa phương.

Được tổ chức trực tiếp tại các địa phương, kết hợp trực tuyến qua các điểm cầu hội nghị trực tuyến đến 100% cấp xã, các khóa bồi dưỡng sẽ cung cấp thông tin cho các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; đồng thời hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.

Tổ chức và duy trì hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng được Bộ TT&TT xác định là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chuyển đổi số năm 2022.

Tổ cộng nghệ số cộng đồng được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số.

Theo thống kê, tính đến ngày 5/9, 51 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập 46.105 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 212.761 thành viên. Trong đó, có 28/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tới 100% cấp xã.

Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số hơn 46.000 Tổ công nghệ số cộng đồng trên cả nước để lực lượng này hỗ trợ triển khai các hoạt động chuyển đổi số tới các cấp cơ sở tại địa phương là cách tiếp cận toàn dân về chuyển đổi số của Việt Nam. Đây sẽ những “cánh tay nối dài” của chính quyền, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã.

Vân Anh

Ưu tiên tổ chức phổ cập kỹ năng số trên Nền tảng học trực tuyến mở MOOCs

Ưu tiên tổ chức phổ cập kỹ năng số trên Nền tảng học trực tuyến mở MOOCs

Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tổ chức phổ cập kỹ năng số, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.