Giống hầu hết học sinh trung học khác tại Trung Quốc, Xu Yuting – 18 tuổi – xốc lại việc học chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học sắp tới. Tuy nhiên, virus Corona mới gây viêm phổi khiến các học sinh như Xu phải nghỉ học ở nhà.

Thay vì bị rớt lại phía sau, Xu và nhiều học sinh khác bắt đầu học tập trở lại nhưng không đến trường mà ngồi ở nhà. Đây có lẽ là lần thử nghiệm dạy học trực tuyến lớn nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến.

Các trường học nước này đang khám phá các lựa chọn đào tạo qua mạng khi nhà chức trách lùi học kỳ mới đến giữa tháng Hai hoặc thậm chí là đầu tháng Ba. Jessie Xia, giáo viên 24 tuổi sống tại Thành Đô, cho hay họ không còn lựa chọn nào ngoài dạy học online. Do đó, cô cần học kỹ năng mới như diễn thuyết tự nhiên trước camera, dùng bút điện tử cho giáo trình PowerPoint, khuyến khích học sinh viết bình luận.

Tuần trước, trường của cô bắt đầu hướng dẫn giáo viên cách dùng ứng dụng DingTalk của Alibaba để giảng bài trực tuyến. Không dễ để các giáo viên lớn tuổi học cách livestreaming bài giảng. Xie tiết lộ một đồng nghiệp than phiền không biết cách sử dụng ngay cả khi đã được đào tạo.

Nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi mọi người ở nhà để giảm thiểu việc phát tán virus. Tính đến ngày 5/2, quốc gia đã có 490 người tử vong, vượt qua dịch SARS năm 2003.

Bộ Giáo dục phát đi thông báo tuần trước, động viên nhà trường dùng nền tảng Internet làm giải pháp dạy học thay thế trong thời gian học kỳ mới bị hoãn. Bộ cũng lên kế hoạch ra mắt lớp học đám mây Internet vào ngày 17/2, cung cấp toàn bộ học liệu và bài giảng cho học sinh từ cấp hai tới cấp ba.

Theo tập đoàn tư vấn iResearch, thị trường giáo dục trực tuyến của Trung Quốc tăng 25,7% năm 2018 so với năm 2017, đạt 251,7 tỷ NDT. Tốc độ tăng trưởng thường niên có thể tăng do dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới gây ra.

Đối với một số học sinh, cơ hội học tập tại nhà cũng đem lại các lợi ích khác. Xu thường dậy trước 5h30 sáng khi đi học nhưng từ khi bắt đầu học trực tuyến, cô được ngủ thêm 2 tiếng nữa. Xu bày tỏ: “Em thích học trực tuyến vì có thêm tự do”.

Tuy nhiên, dạy học trực tuyến có điểm yếu so với dạy học trên lớp. “Động lực học tập của em mạnh mẽ hơn khi có các bạn xung quanh và họ đều học chăm chỉ. Thỉnh thoảng em thường ra ngoài giữa ca học trên mạng”, Xu cho biết.

Giáo viên cũng như vậy. Xie nói rằng cô có thể nhìn thấy học sinh ghi chép, trả lời câu hỏi ngay lập tức khi dạy trên lớp nhưng không thể làm điều đó khi dạy trực tuyến. Tương tác giữa giáo viên và học sinh qua mạng gần như bằng không.

Một số công ty dạy học qua mạng cung cấp dịch vụ miễn phí trong khủng hoảng y tế lần này. Tổ chức TAL Education thông báo trên Weibo sẽ livestream miễn phí các bài học để “giảm thiểu tác động tới việc học do dịch bệnh”, còn VIPKID – chuyên về dạy tiếng Anh online – nói sẽ cung cấp 1,5 triệu khóa học trực tuyến miễn phí cho trẻ từ 4 tới 12 tuổi. Người phát ngôn VIPKID cho rằng càng nhiều người sử dụng sẽ buộc các tổ chức giáo dục qua mạng củng cố nội dung dạy học, năng lực kỹ thuật, nâng cao trải nghiệm và hiệu quả khi học trực tuyến.

Theo Tân Hoa Xã, tính đến 2/2, hơn 220 Phòng Giáo dục tại 20 tỉnh của Trung Quốc đã tham gia chương trình học ở nhà DingTalk, độ phủ hơn 20.000 trường tiểu học, cấp hai và 12 triệu học sinh. Zheng Jinhong, giáo viên tiếng Anh, cho biết dù trường của cô từng thử dạy trực tuyến vài năm trước, họ chưa bao giờ làm với quy mô lớn như thế này. Hiện tại, mọi giáo viên, học sinh trong trường đều tham gia.