Ảnh minh họa: Internet

Theo thông tin từ Chinhphu, thực hiện việc ứng dụng mã hình QR trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đến nay, Sở Công thương Hà Nội đã cấp mã tài khoản quản trị cho 1.984 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản.

Bên cạnh đó, có 766 cơ sở kinh doanh trái cây cũng đã được thiết lập tài khoản quản trị tại hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Các sở, ngành đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 3.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm; cấp mã QR cho 200 dòng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của 21 tỉnh, thành phố hiện đang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng mã QR được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản với các chức năng kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, thương mại điện tử kết nối cung cầu.

Cũng trong cuối tháng 1/2019, Sở Công thương Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 477/KH SCT về đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố năm 2019.

Theo đó, việc sử dụng mã hình QR nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng xác định trực tuyến nguồn gốc, thống kê, theo dõi quá trình lưu thông, phân phối các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố; làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển các mặt hàng, nhóm hàng cụ thể theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, gắn với đời sống; dân sinh. Qua đó, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến hoặc mục đích khác cần ưu tiên áp dụng cho nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp (thực phẩm), tiểu thủ công nghiệp (sản phẩm thủ công, làng nghề tiêu biểu) và công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Để triển khai kế hoạch, Sở sẽ quản trị tài khoản theo phân cấp quản lý trên “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ: www.hn.check.net.vn góp phần minh bạch thông tin đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất uy tín, chia sẻ, kết nối giao thương; Phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện quy chế hoạt động Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phấm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về mã hình QR gắn trên sản phẩm, hàng hóa; Phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh sử dụng mã hình QR trong các giao dịch điện tử; Xây dựng chuỗi họp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp (thực phẩm), tiểu thủ công nghiệp (sản phẩm thủ công, làng nghề tiêu biểu) và công nghiệp chủ lực của Thành phố (bao gồm cả liên kết với địa phương khác có nguồn hàng đưa về thành phố tiêu thụ) với đơn vị triển khai giải pháp xác thực chống hàng giả, có hệ thống công nghệ; CNTT hỗ trợ truy xuất nguồn gốc trực tuyến, sử dụng mã hình QR in trên tem chống hàng giả.goài ra, phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa kinh doanh tại các địa điểm mua sắm, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh... để kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.