Thông tin trên được nêu ra trong Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021 do Tổng cục Thuế tổ chức chiều 5/1/2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự và chỉ đạo hội nghị.

150 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

{keywords}
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Thuế. Ảnh: Duy Vũ

Theo đại diện Tổng cục Thuế, công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được đẩy mạnh trong năm 2020 theo hướng tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế.

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được công khai dưới nhiều hình thức như đăng tải tại các trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố, các Chi cục thuế. Thủ tục hành chính được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, tại trụ sở cơ quan thuế các cấp và đăng tải trên website Tổng cục Thuế để người nộp thuế dễ dàng tra cứu.

Tổng cục Thuế đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) và hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng DVCQG, vượt 61% so với kế hoạch. Theo thống kê, số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng Quốc gia là 16.320.066 hồ sơ.

Ngày 30/12/2020 vừa qua, dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700 trên Cổng DVCQG được công bố là dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính điện tử do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị để triển khai. Dịch vụ giúp người dân giảm 3 lần đi lại đến bộ phận một cửa, ngân hàng. Người dân chỉ phải đến nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa. 

Hàng năm, ngành thuế tiếp nhận khoảng 4 triệu hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng, chuyển quyền về nhà đất của cá nhân, hộ gia đình. Với quy trình mới này, việc thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng DVCQG mang lại hiệu quả rất lớn, tạo thuận lợi cho người dân thanh toán nghĩa vụ tài chính ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Nếu cả 4 triệu hồ sơ đều được thanh toán nghĩa vụ tài chính điện tử sẽ giúp giảm được 6 triệu ngày lao động, tiết kiệm chi phí lớn cho xã hội.

Tổng cục Thuế cũng hoàn thành nâng cấp thêm 74 thủ tục hành chính lên mức 3,4, nâng số thủ tục hành chính thuế cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, 4 là 194 trong tổng số 304 thủ tục hành chính thuế.

Hơn 3,2 triệu giao dịch thuế điện tử

Trong công tác hiện đại hóa hành chính,  năm 2020, Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là đẩy nhanh việc ứng dụng thuế điện tử.

Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2020 đã có 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Tính đến ngày 31/12, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 13.522.261.

Các cơ quan thuế đã hoàn thành kết nối với 55 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,7%. Tính đến ngày 15/12/2020, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 3.209.540 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền 730.982 tỷ đồng và 36.683.130 USD.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả mà toàn ngành đạt được trong một năm đầy khó khăn. Phó Thủ tướng cho biết trong năm 2021, ngành thuế cần tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ.

Cụ thể là tích cực thực hiện các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược giải pháp thuế trong giai đoạn 2021 – 2030. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách về thuế, về miễn giảm thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. “Đây là một trong ba đột phá mà Đảng ta đã xác định”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết.

Tổng cục Thuế cần tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu đổi mới hội nhập nhất là trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế làm trung tâm và đối tượng phục vụ".

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng xây dựng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu chống thất thu trong các lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam và loại hình kinh tế chia sẻ. Phấn đấu hoàn thiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại hóa ngành thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế. Mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

"Tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh. Lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế nhất là việc sử dụng tiền mặt còn lớn và chưa quản lý được nguồn tiền, thu nhập. Tiến tới phải thu thuế điện tử với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh", Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, lĩnh vực thương mại điện tử; tiến tới thanh kiểm tra điện tử, đẩy mạnh kê khai thuế điện tử, nộp và hoàn thuế điện tử. Ngành thuế cũng cần tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế nhằm tạo chuyển biến rõ nét, chống thất thu thuế, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại.

Duy Vũ

Thử nghiệm chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư với một số bộ, tỉnh

Thử nghiệm chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư với một số bộ, tỉnh

Việc thử nghiệm kỹ thuật kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với một số bộ, ngành, địa phương và các đơn vị ngành Công an dự kiến sẽ được hoàn thành trước ngày 15/2/2021.