Hiện nay là giai đoạn các bạn học sinh gấp rút hoàn thành bài dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019, chủ đề "Hãy viết một bức thư về người hùng của em". Để hỗ trợ các bạn học sinh tham gia một cách tốt nhất, ICTnews đã liên hệ với nhà văn Phong Điệp đến từ Báo Nhân dân để có thêm lời khuyên và định hướng cho cách triển khai đề tài năm nay.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia trước đó, chủ đề của cuộc thi viết thư UPU năm nay khá rộng nên các học sinh có thể tự do lựa chọn vị anh hùng mà mình thần tượng, yêu mến nhất; các em có thể lựa chọn những vị anh hùng có thật ngoài đời, hoặc anh hùng trong lịch sử, trong truyền thuyết, truyện cổ tích..., hoặc đơn giản là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè…

Vậy các bạn học sinh nên lựa chọn hướng đi nào? Nhà văn Phong Điệp khuyên: "Sẽ không có nhân vật nào ưu thế hơn nhân vật nào trong "cuộc đua thần tượng". Điều quan trọng nhất chính là cảm xúc, thông điệp của các em gửi gắm trong câu chuyện về thần tượng của mình. Muốn có được điều đó các em cần chọn người tạo cho mình dấu ấn sâu đậm nhất, truyền cảm hứng cho mình mạnh mẽ nhất".

"Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ "thuyết phục". Bức thư ấy có thuyết phục với chính các em không? Có khiến các em tâm đắc, nghĩ về nó hàng ngày, hàng tuần hay không? Có khiến các em rưng rưng mỗi khi nhắc đến không? Khi các em thuyết phục được chính mình thì các em cũng sẽ thuyết phục được Ban giám khảo và có khả năng đoạt giải cao", nhà văn Phong Điệp chia sẻ thêm.

Nhà văn Phong Điệp cũng từng có phát biểu trên Facebook cuộc thi rằng: "Điều mà các thành viên Ban Giám khảo trông chờ nhất ở mỗi bức thư chính là có cơ hội được lắng nghe các em cất lên tiếng nói của mình, bày tỏ những suy nghĩ về các vấn đề của cuộc sống cũng như tâm tư, khát vọng của cá nhân".

b1-huong-dan-viet-thu-upu-lan-thu-48-nam-2019-nha-van-phong-diep-cach-viet-thu-upu-ve-nguoi-hung-cua-em.jpg

Nhà văn Phong Điệp đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh tham dự viết thư UPU 2019: "Điều quan trọng nhất chính là cảm xúc, thông điệp của các em gửi gắm trong câu chuyện về thần tượng của mình"... (ảnh trên Facebook nhà văn Phong Điệp)

Trong khi đó trên mạng hiện có rất nhiều các bài viết mẫu bức thư UPU. Về vấn đề này, nhà văn Phong Điệp khẳng định: "Mọi sự sao chép, vay mượn của người khác đều dễ bị phát hiện và bài dự thi sẽ bị loại. Bởi vậy các em hãy viết lá thư của chính mình, gửi cho chính mình trước tiên. Nếu các em còn không hào hứng với lá thư đó, liệu người khác có thấy hào hứng hay không?"

Bên cạnh đó, nhà văn Phong Điệp cũng đưa ra những lời khuyên để các bạn học sinh hoàn thành bài dự thi tốt nhất: "Ở đây chúng ta thấy có 2 yếu tố được đặt ra: đó là chất lượng và khả năng thu hút người đọc. Muốn như vậy các em cần chú ý về văn phong, câu chuyện, cũng như sự sáng tạo trong lá thư mà các em muốn truyền tải tới người đọc".

"Với dung lượng 1.000 chữ, các em cần bố cục rất chặt chẽ, có các chi tiết thú vị giúp tạo ấn tượng. Nếu không biết cách sắp xếp bố cục bức thư cho hài hòa sẽ dễ bị lan man ở phần kể chuyện để rồi đến phần cuối thì có em viết vội vàng cho vừa khuôn khổ theo quy định. Thậm chí nhiều bài dự thi bị vượt quá số chữ dẫn đến phạm quy", nhà văn Phong Điệp nói.