Nếu bạn thường xuyên lướt web, bạn có lẽ đã từng thấy 4 chữ DMCA. Có thể một vài nội dung bạn đăng tải cũng từng bị gỡ bỏ kèm theo một thông báo DMCA.

DMCA là gì?

DMCA là viết tắt của Digital Millenium Copyright Act (Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số). Đúng như tên gọi, nó được lập nên vào cuối thiên niên kỷ trước, chính xác là vào năm 1998. DMCA là một bộ luật của Hoa Kỳ với mục đích ngăn chặn mọi hành vi sử dụng trái phép các tài liệu đã đăng ký bản quyền.

Dù là một bộ luật của Hoa Kỳ, DMCA có hiệu lực rộng hơn thế. Đó là bởi dù các website có thể được truy cập từ khắp nơi trên toàn cầu, chúng vẫn nằm dưới sự quản lý của luật pháp của quốc gia nơi đặt máy chủ. Ví dụ, các máy chủ của YouTube được đặt tại Mỹ, do đó kể cả khi bạn là người Việt Nam, bất kỳ nội dung nào bạn đang tải lên YouTube cũng bị quản lý bởi luật phát Mỹ, không phải luật pháp Việt Nam.

DMCA được tạo ra để ngăn chặn tình trạng ăn cắp bản quyền. Vào cuối thập niên 1990, sự xuất hiện của các loại công nghệ mới, như internet và thiết bị ghi đĩa CD, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết cho những kẻ chuyên ăn cắp bản quyền thực hiện hành vi của mình. Điều này khiến ngành công nghiệp truyền thông lo lắng rằng chưa có đầy đủ những bộ luật để có thể bảo vệ ngành công nghiệp của họ khỏi vấn nạn ăn cắp bản quyền.

Khi DMCA được chính thức triển khai, nó mang lại cho các cá nhân và công ty một giải pháp để bảo vệ nội dung của mình. Nếu một nhà sáng tạo nội dung phát hiện ra tác phẩm của họ đang bị sử dụng trái pháp luật trên một website đặt trong một máy chủ tại Mỹ, họ có thể đề xuất một yêu cầu bồi thường DMCA. Yêu cầu bồi thường DMCA sẽ buộc máy chủ lưu trữ nội dung phải gỡ bỏ, hoặc ngăn chặn truy xuất đến nội dung vi phạm nói trên.

DMCA áp dụng lên nhiều loại nội dung, bao gồm: văn bản viết tay, tranh ảnh, tác phẩm hội hoạ, âm nhạc, video, và phần mềm.

Thông báo DMCA là gì?

Người bị buộc vi phạm bản quyền sẽ nhận được một thông báo DMCA. Thông báo này sẽ nêu rõ nội dung gì đang bị yêu cầu bồi thường, và người yêu cầu bồi thường đối với nội dung đó.

Nếu bạn nhận được một thông báo DMCA, lập tức nghĩ xem liệu bạn có đang sử dụng các nội dung một cách hợp pháp hay không. Nếu không, hãy nhanh chóng gỡ bỏ nội dung. Thông thường, gỡ bỏ nội dung sẽ giúp giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, nhà sáng tạo nội dung vẫn có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại. Do đó, bạn không nên xem thường một thông báo DMCA.

Nếu bạn tin rằng mình không sử dụng nội dung nào trái pháp luật, thì bạn có thể đệ trình một thông báo phản hồi. Đôi lúc DMCA bị lạm dụng quá mức và một số kẻ sẽ tìm cách nhắm vào những người không hề vi phạm DMCA. Trong những tình huống đó, một thông báo phản hồi sẽ tạo điều kiện cho người bị cáo buộc bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, nội dung liên quan vẫn nên được gỡ bỏ cho đến khi vụ việc được giải quyết.

Người tố cáo sẽ có 14 ngày để ngừng đề nghị gỡ bỏ nội dung, hoặc tiếp tục đệ trình đơn kiện. Do đó, nộp đơn phản tố là một việc làm khá rủi ro và nên được cân nhắc kỹ lưỡng.

Một thông báo DMCA về hình ảnh vi phạm bản quyền

Bạn có thể sử dụng các nội dung một cách hợp pháp hay không?

Trên thực tế, bạn vẫn sẽ thấy mọi người thường xuyên mượn nội dung của nhau. Tại sao điều này lại được phép? Bạn có thể sử dụng các nội dung có bản quyền theo quy tắc "sử dụng hợp lý". Các nội dung được phép "sử dụng hợp lý" bao gồm: các bản tin, các bài bình luận, nghiên cứu, bài phê bình, học bổng, thơ văn châm biếm, nội dung liên quan giảng dạy.

Mục đích của quy tắc "sử dụng hợp lý" là nhằm cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ tác giả và mong muốn góp ý xây dựng cũng như phản hồi lại nội dung của cộng đồng. Tuy nhiên, quy tắc này đôi lúc khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn một chút. Có 4 yếu tố được áp dụng để đánh giá liệu một nội dung có nằm trong phạm vi của quy tắc "sử dụng hợp lý" hay không.

1. Mục đích của nội dung

Để sử dụng nội dung theo quy tắc "sử dụng hợp lý", bạn cần chuyển nó thành một thứ khác so với nội dung gốc. Mục đích của nội dung mới phải thể hiện sự khác biệt rõ ràng so với nội dung ban đầu.

Ví dụ, trang Screen Junkies sử dụng các trích đoạn (clip) từ nhiều bộ phim để tạo nên series "Honest Trailers". Nếu họ đơn thuần là đăng tải các clip, thì đó không phải là "sử dụng hợp lý". Nhưng họ lại dùng chúng để tạo ra một thứ hoàn toàn mới. Mục đích của các video do trang này tạo ra là bình luận về chất lượng của các bộ phim. Mục đích đó rất khác so với mục đích của việc tạo ra một bộ phim (là nhằm kể về một câu chuyện nào đó).

2. Loại nội dung

Thông tin về một sự thật/sự kiện, và ý tưởng, là những thứ không thể được đăng ký bản quyền. Mục đích của ngoại lệ này là nhằm đảm bảo những ý tưởng và thông tin quan trọng có thể luôn luôn được sử dụng bởi cộng đồng. Ngoại lệ này dẫn đến một vài quy định gây tranh cãi.

Ví dụ, nếu bạn là tác giả kịch bản của bộ phim kinh điển Gremlins, bạn không thể ngăn người khác sử dụng ý tưởng tương tự để tạo ra phim Critters. Nếu lời thoại kịch bản khác nhau, thì nó sẽ rơi vào trường hợp "sử dụng hợp lý". Mặt khác, liệu bạn có muốn Akira Kurosawa cản trở việc sản xuất phim Star Wars, khi mà ý tưởng phim vay mượn khá nhiều từ các tác phẩm của ông?

3. Lượng nội dung được sử dụng

Lượng nội dung bạn muốn mượn cũng là một yếu tố cần chú ý. Bạn chỉ được phép sử dụng lượng nội dung vừa đủ để hoàn thành mục tiêu của mình. Quay lại với ví dụ liên quan Screen Junkies ở trên: những video của họ chỉ sử dụng các trích đoạn có nội dung giải thích cho quan điểm của họ. Nếu họ dùng một trích đoạn dài đến 15 phút chỉ để móc mỉa một cảnh phim, các video của họ nhiều khả năng không còn đủ tiêu chuẩn để được "sử dụng hợp lý" nữa.

4. Thiệt hại gây ra cho tác giả

Sẽ không thể chấp nhận được nếu bạn cản trở tác giả gốc tạo ra lợi nhuận từ sản phẩm sáng tạo của họ. Nếu bạn sử dụng nội dung của họ để tạo ra một thứ có thể được dùng để thay thế cho sản phẩm gốc, nó sẽ rơi vào danh mục này.

Ví dụ, nếu một người đăng tải nội dung mang tính cung cấp thông tin lên YouTube, bạn không thể biên tập lại nội dung đó thành một bản tóm tắt rồi đăng tải lên một lần nữa được, bởi hành vi này sẽ khiến số lượt xem video gốc của tác giả bị ảnh hưởng.

Thiệt hại gây ra ở đây không bao gồm thiệt hại cho lợi nhuận đến từ những đánh giá sản phẩm mang tính tiêu cực. Đánh giá tiêu cực là loại nội dung thuộc kiểu "phê bình", và được xem là trường hợp "sử dụng hợp lý".

Tóm tắt lại về DMCA

DMCA là viết tắt của Digital Millennium Copyright Act (Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số), được tạo ra vào cuối thập niên 1990 nhằm hạn chế tình trạng ăn cắp bản quyền nở rộ nhờ những loại công nghệ mới. Đạo luật này bảo vệ các tác giả của hàng loạt thể loại tác phẩm nghệ thuật khác nhau. Mục đích của nó là ngăn chặn việc sử dụng các nội dung một cách không công bằng. Cơ chế "sử dụng hợp lý" vẫn cho phép mọi người sử dụng các nội dung nhằm tạo ra các nội dung mới nếu quá trình biến đổi cho ra sản phẩm cuối cùng là một thứ mới mẻ, mang lại giá trị mới cho cộng đồng.

(Theo VnReview, MakeUseOf)

Sử dụng phần mềm không có bản quyền đồng nghĩa với việc mở "cửa hậu" cho tin tặc

Sử dụng phần mềm không có bản quyền đồng nghĩa với việc mở "cửa hậu" cho tin tặc

Rất nhiều người dùng Internet tại Việt Nam không có kỹ năng lập trình cấp cao mà sử dụng các công cụ có sẵn trên Internet. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với những rủi ro an ninh mạng khác nhau.