Đầu tư tài chính qua ứng dụng dần trở nên phổ biến. Đặc biệt là trong giai đoạn giới trẻ ngày càng quan tâm các hoạt động đầu tư và sự phát triển của các thiết bị di động.

"Hình thức đầu tư qua ứng dụng không tốn quá nhiều công sức của người sử dụng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể tải ứng dụng và bắt đầu 'kiếm tiền'. Tuy vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, người tham gia cũng có thể vi phạm pháp luật", luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW nói với Zing.

Nạn nhân đầu tư cũng có thể vi phạm pháp luật

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, điểm nhận biết mô hình đa cấp lừa đảo nằm ở việc họ không tập trung vào ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mà chỉ chú trọng lôi kéo được nhiều người tham gia nhất có thể. "Càng rủ rê được nhiều người, càng có lợi nhuận cao hơn", ông Thịnh nói.

Gần đây nhất là sự phát triển của các mô hình đa cấp bounty. Đây là hình thức yêu cầu người dùng làm nhiệm vụ, kêu gọi bạn bè tham gia. Trọng tâm của mô hình này là việc khuyến khích người đầu tư nạp tiền vào để nhận nhiều thưởng hơn.

Kien da cap tra thuong bounty anh 1

Các nhiệm vụ được ứng dụng đa cấp đưa ra chỉ để cho có việc để làm. Thực tế, những nền tảng này kiếm tiền bằng cách chiêu dụ người dùng nâng cấp gói thành viên.

Luật sư Thanh Hà nhận định những người có hành vi lôi kéo người khác đầu tư cũng có thể vi phạm pháp luật.

"Các cá nhân kêu gọi đầu tư app đa cấp chưa có giấy phép hoạt động có thể phạm tội chiếm đoạt tài sản và kinh doanh đa cấp trái phép", Luật sư Thanh Hà phân tích rủi ro. Nội dung này được quy định tại Điều 5 Nghị định 40/2018 về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp do Chính phủ ban hành ngày 12/03/2018.

Ngoài rủi ro pháp lý, người tham gia còn chấp nhận việc họ có thể mắt trắng số tiền đầu tư, bởi các ứng dụng bounty đa cấp lừa đảo thường không có đại diện chính danh. "Do hoạt động ngoài luồng pháp luật nên khi có vấn đề xảy ra, quyền lợi của người tham gia đầu tư khó được bảo đảm", luật sư Hà chia sẻ.

Làm gì khi sập bẫy đa cấp ứng dụng?

Theo ông Thanh Hà, hành vi lừa đảo thông qua đầu tư tài chính trên ứng dụng hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự, với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong trường hợp của các app bounty, ông Hà cho rằng nạn nhân có thể gửi các thông tin người kêu gọi, tài khoản nhận tiền đến cơ quan chức năng để điều tra vụ việc. "Nạn nhân cần thu thập càng nhiều càng tốt các thông tin liên quan và gửi đến cơ quan điều tra", luật sư Hà cho biết.

Ông Hà cũng lưu ý một số tình tiết tăng nặng có thể được xem xét đến như hoạt động kêu gọi diễn ra có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp và số tiền chiếm đoạt lớn...

"Mức phạt cao nhất của tội này là tù chung thân, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", ông Hà nói.

Kien da cap tra thuong bounty anh 2
Danh sách các nạn nhân cùng số tiền thiệt hại sau khi đầu tư vào ứng dụng đa cấp Bounty.

Bên cạnh đó, hành vi kêu gọi tham gia app đa cấp cũng có thể bị khởi tố với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015).

"Mức phạt cao nhất cho tội danh này là 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", Luật sư Hà phân tích.

Người đứng đầu công ty Luật TNHH SB LAW cho hay khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người bị hại có thể tố giác đến cơ quan công an để được giải quyết theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

3 câu hỏi trước khi đầu tư

Theo Luật sư Hà, chế tài với "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc vi phạm về hoạt động đa cấp đã đủ sức răn đe. Tuy nhiên, người dân thường chịu thiệt hại do việc tố giác vi phạm quá chậm, thường khi sự việc vỡ lỡ mới đến cơ quan chức năng trình báo.

"Ngoài ra, khung pháp lý hiện hành chưa có quy định rõ việc các hoạt động đầu tư qua app. Vì vậy, việc quản lý trong thời gian các app này hoạt động còn hạn chế", ông Hà nhận định cần có khung pháp lý với đầu tư qua ứng dụng để các cơ quan chức năng quản lý sát sao hơn.

Kien da cap tra thuong bounty anh 3
Tài khoản của nhiều nạn nhân vẫn có thể truy cập nhưng không rút được tiền.

Cuối cùng, luật sư Thanh Hà đặt ra 3 câu hỏi để nhà đầu tư giải đáp trước khi quyết định góp vốn cho một dự án.

- Đã có hành lang pháp lý nào cho hoạt động này chưa? Nếu chưa, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ như thế nào khi hệ thống ứng dụng gặp vấn đề?

- Ứng dụng này đã tồn tại bao lâu? Bao nhiêu người sử dụng? Công ty thành lập và sở hữu ứng dụng là ai? Đã được cấp phép hoạt động và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước chưa?

- Bản thân nhà đầu tư có kiến thức về tài chính và các nguyên tắc đầu tư tài chính hay chưa? Nhà đầu tư đã hiểu về cơ chế vận hành của các ứng dụng hay chưa?

(Theo Zing)

Mất 154 triệu đồng sau 10 ngày vì dùng app đa cấp Bounty

Mất 154 triệu đồng sau 10 ngày vì dùng app đa cấp Bounty

Nạn nhân của Bounty thừa nhận biết app sẽ sập trong tương lai. Tuy nhiên, người này không ngờ chỉ sau vài ngày tham gia, cô đã không còn rút được tiền.