Yoshihisa Ishikawa cho biết kỷ niệm nghỉ một đêm tại khách sạn robot không dễ chịu chút nào. Người đàn ông này bị đánh thức sau vài tiếng bởi người trợ lý có hình dáng con người trong phòng khách sạn hỏi một câu: “Xin lỗi, tôi không hiểu ý bạn. Đề nghị nhắc lại yêu cầu”. Đến 6 giờ sáng, Ishikawa mới nhận ra vấn đề: chính tiếng ngáy của mình đã đánh thức robot. Thực tế là robot chưa chắc đã giỏi khoản đón tiếp.

Sau màn khai trương đình đám vào năm 2015, Khách sạn Henna hay “Strange” tại Nhật Bản, đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness với danh hiệu khách sạn robot đầu tiên trên thế giới, hiện nay đang rút dần các người máy hoạt động không hiệu quả.

Robot chơi đàn piano (Nguồn: Internet)

Tính đến hiện tại, hơn một nửa trong số 243 robot ở khách sạn này đã được cho nghỉ việc bởi chúng tạo ra vấn đề nhiều hơn là giải quyết. Kết quả là một nhân viên khách sạn chia sẻ: “Số lượng cuộc gọi khách cư trú ở khách sạn phàn nàn về robot đã giảm đi trông thấy”.

Robot và các thiết bị khác được sử dụng trong ngành công nghiệp dịch vụ xuất hiện dày đặc tại hội chợ CES 2019 tại Las Vegas, như xe shuttle bus tự lái, đồng hồ Smart Clock của Lenovo tích hợp trợ lý Google, hay một robot vận chuyển mang tên Segway-Ninebot Loomo Delivery đưa hàng hóa trong một tòa nhà phức hợp. Ngoài ra, có thể kể đến chuỗi khách sạn Yotel and Aloft tại Mỹ sử dụng người máy cao 3 feet để chuyển thư, đồ vệ sinh cá nhân và đồ uống tới phòng nghỉ, và cuối năm 2018, Alibaba cho ra mắt robot khuân vác hành lý Space Egg.

Nhưng Khách sạn Strange sử dụng một mô hình phức tạp hơn với mục tiêu giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công, bằng cách sử dụng máy móc cho các công việc từ lưu trữ hành lý tới pha chế đồ uống và dọn dẹp. Vị trí địa lý của khách sạn này nằm ngay cạnh một công viên giải trí ở vùng nông thôn do vậy rất thiếu công nhân. Khách sạn này cũng mong muốn thu hút khách du lịch nước ngoài bằng việc tận dụng hình ảnh một nước Nhật của công nghệ như toilet thông minh hay bạn gái ảo.

Trong tuyên bố khi ra mắt, công ty quản lý khách sạn Strange đã nói: “Quý khách hãy thưởng thức các cuộc đối thoại với robot với sự ấm áp của tình người, trong khi chúng đang hoạt động hiệu quả”. Tại thời điểm đó, có khoản 80 robot được sử dụng, và nhận được phản hồi khá tích cực nên số lượng robot đã được tăng lên, như một dàn robot giống chó và cả người biểu diễn nhảy múa tại sảnh khách sạn. Đó là khi vấn đề bắt đầu dồn dập xảy ra.

Robot cá cảnh (Nguồn: Internet)

Toshifumi Nakamura, một người đã từng ở khách sạn, kể lại trải nghiệm chứng kiến hơn phân nửa số robot nhảy múa cần được sửa chữa hoặc thay thế. Chính giám đốc khách sạn phải thừa nhận nhân viên lại phải tăng số giờ làm để giải quyết phần công việc phát sinh.

Khách nghỉ trở nên bực bội khi robot không thể theo kịp với Siri hay Alexa. Một ví dụ là robot trợ lý trong mỗi phòng khách sạn mang tên “Churi” với hình dạng đầu giống bông hoa tulip, với chức năng đối thoại đơn giản và điều chỉnh nhiệt độ phòng cùng ánh sáng theo hiệu lệnh giọng nói. Nhưng một vài vị khách lại muốn chơi khó robot bằng những câu hỏi như thời gian mở cửa của công viên giải trí ngay cạnh. Sau thử nghiệm đầy bực bội với Churi, Atsushi Nishiguchi, khách ở vào năm 2017, đã quyết định gọi lễ tân và phát hiện ra không có điện thoại trong phòng, thay vào đó robot sẽ xử lý yêu cầu này. Và người này đã phải dùng điện thoại cá nhân để được gặp nhân viên người thật của khách sạn.

Robot Churi với hình dánh đáng yêu (Nguồn: Internet)

Churi là một trong những robot bị sa thải đầu tiên. Tương tự, robot lễ tân chính cũng gặp phải hàng tá câu hỏi từ khách mà nó không trả lời được như lịch trình chuyến bay hay các điểm thăm quan du lịch. Khách sạn phải cân nhắc việc cập nhật một số máy móc nhưng chi phí tốn kém khi phải thay thế thường xuyên. Ví dụ như Churi được giới thiệu 4 năm trước, nhiều công nghệ thời điểm đó giờ đã lỗi thời.

Một số robot được trông đợi sẽ giảm tải được nhân công, nhưng thực tế là vẫn cần có người đúng bên cạnh hai robot khủng long ở quầy check-in để sao in hộ chiếu của khách quốc tế. Còn hai robot vận chuyển hàng lý thì lại trở nên vô dụng bởi chúng chỉ tiếp cận được số lượng ít trong hơn 100 phòng khách sạn, do chỉ di chuyển trên mặt phẳng và ngừng hoạt động khi dính nước. Một khách từng ở chia sẻ: “Chúng rất chậm và ồn ào, thậm chí còn va vào nhau trên đường”.

Robot vận chuyển hành lý (Nguồn: Internet)

Các chi nhánh mới hơn của Khách sạn Strange vẫn tiếp tục sử dụng các robot hữu dụng, với cách thức tận dụng công nghệ hợp lý và hiệu quả hơn. Có thể kể đến việc dùng điện năng từ mặt trời và công nghệ nhận diện gương mặt để mở khóa phòng nghỉ. Một robot chơi piano vẫn xuất hiện ở sảnh với chiếc đàn tự hoạt động. Vị giám đốc của công ty điều hành Strange vẫn không từ bỏ ý định về khách sạn không có nhân viên người thật, nhưng chấp nhận một sự thật rằng có những công việc chỉ con người mới có thể làm được.